Các ngành chức năng cần có một chiến lược dài hơi cho ngành lúa gạo và ở đó, những yếu kém của tư duy sản xuất cũ đã tồn tại hàng chục năm qua phải được nhìn nhận thẳng thắn. Đồng thời, các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cũng phải được làm thật.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, người có gần 50 năm gắn bó với cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sản phẩm gạo xuất khẩu được tạm trữ tại kho của công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food) thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến chúng ta phải chung tay tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong những ngày vừa qua?
- Nguyên nhân sâu xa nhất của việc này là người nông dân sản xuất không có một địa chỉ nào tiêu thụ rõ ràng. Bởi, thời gian qua có tình trạng mạnh doanh nghiệp thì doanh nghiệp lo, mạnh nông dân thì nông dân lo mà không có sự điều hòa của bên thứ ba là các cơ quan chức năng.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa có hành động để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thành công. Ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cũng bắt đầu nhận thấy việc dư thừa do trồng quá nhiều lúa nhưng lại không biết trồng cây nào khác. Cái thiếu nhất của chúng ta bây giờ là không có một bộ máy để thực hiện Nghị quyết 120 một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, ngành hàng lúa gạo vẫn còn thiếu những doanh nghiệp đầu tàu đi tìm hoặc khai mở thị trường hoặc có thể liên kết với thương lái quốc tế như các doanh nghiệp Thái Lan đang làm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải biết chắc năm tới gạo của mình bạn hàng cần số lượng mua bao nhiêu để về tổ chức sản xuất và đương nhiên doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước
Vậy để ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục phát triển và cạnh tranh được thì Việt Nam cần phải làm gì, thưa Giáo sư?
- Trước thực tế đất đai không còn nhiều cho sản xuất nông nghiệp thì điều cần thiết là kết hợp những người nông dân lại với nhau trong các hợp tác xã kiểu mới. Khi đó, các nhà doanh nghiệp có thể đến gặp nông dân đề nghị hợp tác sản xuất theo các tiêu chuẩn cụ thể. Lúc này, hợp tác xã sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp để làm chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu cho doanh nghiệp. Bằng cách này, một doanh nghiệp có thể hợp đồng với nhiều hợp tác xã để làm ra một sản phẩm giống nhau.
Như thế, nông dân sẽ sản xuất có địa chỉ, không phải tùy ý mua bán như cũ. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu tốt nhất với giá thành thấp nhất. Bởi lẽ, khi đã tham gia vào hình thức sản xuất như trên, nông dân không thể làm theo kinh nghiệm kiểu “lão nông tri điền” như trước đây mà phải tuân theo các quy trình như VietGAP, GlobalGAP hoặc quy trình riêng mà khách hàng đòi hỏi.
Nếu làm được như vậy, nông dân sẽ có tiền, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu tốt để làm ra sản phẩm chất lượng cao và bán với giá cao.
Doanh nghiệp có lãi sẽ chia bớt một phần lợi nhuận lại cho nông dân và đóng thuế cho nhà nước, giúp tăng GDP của quốc gia. Một khi đời sống của người nông dân tăng lên thì nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo, từ đó cũng đóng thuế cho nhà nước và cũng đóng góp vào GDP.
Lý do nữa là hiện nay chúng ta chưa có những thương lái tài giỏi để đem lúa gạo đi bán cho những nơi đang có nhu cầu. Phần lớn thương lái (doanh nghiệp) của mình chỉ chờ thương lái quốc tế tới, báo nhu cầu rồi sau đó mới đi gom hàng chứ chưa chủ động.
Gạo Việt Nam ra thị trường thế giới sau họ hàng chục, hàng trăm năm thì cần giao thiệp tốt với các thương lái quốc tế này. Bằng cách đó, chúng ta sẽ nắm được yêu cầu của thị trường, sắp tới mình sẽ bán bao nhiêu gạo, gạo loại gì để chủ động sản xuất cung ứng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Thanh Liêm/TTXVN (thực hiện)
Không có nhận xét nào: