» » » Thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo - Bài 2: Giải quyết lực cản cố hữu

Các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong nước đã bắt đầu phát huy hiệu quả thì ở thị trường xuất khẩu cũng có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để ngành lúa gạo phát triển hiệu quả, bền vững, ngành cần nhận diện những lực cản cố hữu để có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.

Thu hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019 tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị sẽ giải quyết được tình trạng giảm giá lúa như vừa qua. Tuy nhiên, ở Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp muốn phát triển cánh đồng mẫu lớn phải có thêm vốn đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần ngân hàng tăng hạn mức cho vay.

Đối với vấn đề này, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong 2 năm 2017-2018, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, được giá và một số nơi đã xảy ra tình trạng nông dân chủ động bán cho thương lái bên ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp.

Vụ Đông Xuân năm nay, ở thời điểm đầu vụ cận Tết do chưa có các đơn hàng xuất khẩu tập trung lớn, doanh nghiệp có tâm lý chậm thu mua chờ diễn tiến thị trường. Do đó, vấn đề liên kết cung ứng tín dụng theo chuỗi giá trị lúa gạo tiếp tục được nhấn mạnh. Hiện nay ở Cần Thơ có một số doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, cung ứng giống, phân thuốc và bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường và làm rất hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Hà, giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn về cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa gạo từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu những tổn thất và thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nông dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, phải phơi lúa Đông Xuân 2018 - 2019 ngay tại ruộng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận định, ngoài những biện pháp tình thế thì giải pháp tiếp theo là cân đối cung cầu đi đôi với quy hoạch vùng nguyên liệu cho toàn vùng. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, tìm thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng thích ứng biến động của thị trường nông sản.

Còn giải pháp tạm trữ lúa, theo ông Quyết nên để nông dân tự lo bằng cách tham gia vào các hợp tác xã. Nhưng đến nay tại Sóc Trăng, chưa hợp tác xã nào có năng lực dự trữ và chế biến nông sản. Nguyên nhân là do nông dân không đủ vốn để xoay sở khi phải tái đầu tư cho vụ mùa tiếp theo, cho nên nhiều năm qua, tiêu thụ lúa tươi tại ruộng vẫn được nhà nông ưa chuộng dù giá lúa có thấp và khi giá lúa nhích lên thì họ đã bán hết lúa.

Vấn đề cơ cấu lại mùa vụ và giống lúa phù hợp cũng cần tính tới. Lâu nay, nông dân tự chọn giống lúa và có năm, nông dân làm giống lúa thường nhưng lại có giá cao hơn lúa đặc sản, do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa thường để đáp ứng hợp đồng với đối tác. Vì vậy, cơ cấu giống là vấn đề cần quan tâm, nhưng quan trọng vẫn là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhận xét, hiện nay, tập quán của nông dân là tiêu thụ lúa tươi ngay tại ruộng, không có thói quen tạm trữ lúa lại. Nông dân phải liên kết với hợp tác xã kiểu mới để sản xuất. Bởi khi liên kết, khi cần hợp tác xã có thể đứng ra tạm trữ lúa và chờ giá cao mới tiêu thụ, giảm tình trạng “cò” hợp đồng với nông dân, khi giá lúa giảm thì “cò’ bỏ chạy, mặc cho người dân chịu thiệt.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, người góp phần lớn khai sinh và đưa dòng lúa thơm ST của Sóc Trăng vươn xa cũng cho rằng, đã đến lúc chính quyền và ngành nông nghiệp phải hoạch định cho nông dân tuân thủ quy trình sản xuất, chú trọng chất lượng lúa, gạo đạt chuẩn. Nhiều vụ, nông dân lãi to khi thực hiện đúng quy trình lúa thơm hữu cơ ST. Ngay như trong thời gian vừa qua, giá lúa giảm mạnh nhưng những hộ nông dân trồng lúa thơm có ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng, giá lúa thơm ST hữu cơ ở Sóc Trăng vẫn bảo đảm giá hơn 8.000 đồng/kg.

Nông dân phơi lúa Đông Xuân 2018 - 2019 chờ giá lên để bán tại phường 4, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Về thị trường xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay gạo xuất khẩu của nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar, Pakistan với nhiều loại gạo có chất lượng vượt trội.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn của nước ta đã mở cửa nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và cấp phép cho 24 doanh nghiệp nước này, trong khi Việt Nam chỉ còn 19 doanh nghiệp (giảm 3 doanh nghiệp). Trung Quốc cũng công khai muốn mở rộng thêm các nguồn nhập khẩu gạo từ Campuchia (tăng hạn ngạch từ 300.000 tấn lên 400.000 tấn) và Myanmar.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng cường đầu tư sản xuất để giảm nhập khẩu. Một số thị trường lớn như Philippines, Indonesia chưa có nhu cầu, đồng thời muốn mở rộng nguồn cung cấp gạo; các nước châu Phi đang quyết liệt triển khai chương trình đảm bảo tự cung lương thực.

Ông Phạm Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng này như: thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu G2P (Chính phủ - tư nhân) để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Các nước sản xuất tập trung lợi thế để làm ra gạo có chất lượng và thương hiệu. Trung Quốc từ nước nhập gạo lớn nhất cũng đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới…

Tình hình trên đã làm tăng lượng cung gạo toàn cầu cũng như tồn kho tại các nước xuất khẩu, kéo theo quan hệ cung - cầu ở thị trường lúa gạo đã có sự thay đổi sâu sắc theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Vận chuyển lúa Đông Xuân đến nhà máy trên Kênh xáng Xà No, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, các nước nhập khẩu đang có xu hướng tự chủ về gạo và tìm cách đa dạng hoá thị trường, tránh lệ thuộc một hoặc vài thị trường nhất định. Vì vậy, ông Khánh cho rằng, chúng ta nên suy nghĩ, có kế hoạch mang tính căn cơ, lâu dài cho ngành lúa gạo. Theo đó, cần tối ưu hoá nguồn cung, tối ưu hoá diện tích trồng lúa, có truy xuất nguồn gốc, không đi theo số lượng mà tập trung vào chất lượng.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời gian qua có một số doanh nghiệp chạy theo doanh số, làm vậy sẽ không được lâu dài. Do đó, doanh nghiệp phải quản lý chất lượng, đừng để mất đi tư cách của mình khi xuất khẩu. Bộ Công Thương đang nỗ lực xúc tiến đàm phán, tìm thị trường tiêu thụ lúa gạo cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường ngách cho gạo hữu cơ.

Bài cuối: Có chiến lược dài hơi 

Thanh Liêm - Trung Hiếu (TTXVN)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: