» » » 'Thủ phủ' nuôi heo ra sao trước dịch tả châu Phi?

Đồng Nai là thủ phủ nuôi heo của cả nước, có tới 2,5 triệu con và là nguồn cung thịt chính cho nhiều tỉnh thành phía Nam. Việc dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình và chỉ bốn ngày sau thì lan tới Hải Phòng đang “thiêu đốt” tâm trí người nuôi heo ở Đồng Nai. TBKTSG đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, về vấn đề thời sự này.

Một trại heo ở Đồng Nai. Ảnh: Thành Hoa

Dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện ở một số tỉnh phía Bắc. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ dịch tràn vào miền Nam?

- Nguy cơ rất lớn. Có thể nói là hiển nhiên. Rõ ràng, vận chuyển heo là nguy cơ lớn nhất. Hiện giá heo ngoài Bắc đang là hơn 40.000 đồng/ki lô gam, trong khi trong Nam là hơn 50.000 đồng/ki lô gam. Chỉ cần chênh nhau 5.000 đồng/ki lô gam là người ta vận chuyển rồi.

Hiện nay, chúng tôi kêu gọi hai việc. Thứ nhất, sự tự giác của các hộ chăn nuôi, khi cảm thấy nghi ngờ dịch thì không bán mà báo thú y địa phương. Tất nhiên, muốn có sự tự giác của người chăn nuôi thì phải có sự hỗ trợ của Nhà nước khi đàn heo của họ bị trúng dịch.

Trong dịch bệnh, thú y địa phương đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, khi nông dân xuất heo thì phải có giấy tờ kiểm tra tại trại chăn nuôi, chứ không phải kiểm tra ở các điểm kiểm dịch dọc đường. Các điểm kiểm dịch dọc đường chỉ mang tính cảm quan. Còn tại trại chăn nuôi thì thú y biết rõ nhất tình trạng chích ngừa, sức khỏe của heo.

Vấn đề thứ hai là kiểm soát về nguồn gây bệnh như chim, chuột, ruồi... để giảm nguy cơ mắc bệnh. Càng nhiều nguồn lây nhiễm được kiểm soát và loại trừ thì nguy cơ lây lan dịch bệnh càng giảm. Ngoài ra, việc nâng cao sức khỏe cho đàn heo, tăng cường công tác phòng dịch, kiểm soát tốt chất lượng nguồn thức ăn... để tăng sức đề kháng cho heo cũng là những giải pháp vô cùng quan trọng.

Đồng Nai vốn là tỉnh nuôi heo lớn nhất cả nước, nhưng nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn nhiều nên chắc chắn việc phòng ngừa dịch bệnh và sự lây lan của nó, theo như ông nói, là không dễ dàng?

- Đồng Nai đang có khoảng 2,5 triệu con heo, trong đó nuôi trong trang trại chiếm khoảng 60%, các hộ nhỏ lẻ khoảng 8%, phần còn lại là các công ty lớn.

Đặc thù của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung là nhỏ lẻ và phân tán nên rất khó kiểm soát. Chăn nuôi phân tán thì khó kiểm soát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh nhà nước có hỗ trợ vaccin cho người chăn nuôi và khi xảy ra dịch bệnh thì người nuôi heo vẫn được hỗ trợ nên nhiều người có tâm lý là heo chết thì được đền, từ đó phát sinh sự chủ quan.

Một vấn đề nữa, nếu có hộ chăn nuôi không chịu chích ngừa cho vật nuôi, cũng không chịu áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì khả năng lây lan sang các hộ cận kề khi có dịch là rất cao. Đây là tình huống không dễ giải quyết. Ngoài ra, nguy cơ lây lan do chở heo từ Bắc vào Nam là rất lớn, vì như tôi đã nói chỉ cần giá ngoài đó thấp hơn trong Nam 5.000 đồng/ki lô gam thôi là người ta đã vận chuyển rồi huống chi mức chênh lệch hiện đã là 10.000 đồng.

Những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, như ông đề cập, đã được Đồng Nai tuyên truyền như thế nào để người chăn nuôi nắm được?

- Tỉnh đã tuyên truyền thông qua báo chí, đài phát thanh... Hiện nay người dân đều biết nguy cơ của dịch.

Ở Đồng Nai có doanh nghiệp nào xuất khẩu thịt heo chưa?

- Hiện Đồng Nai chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu, vì xuất khẩu thịt heo cần rất nhiều tiêu chuẩn.

Ông thấy người chăn nuôi heo ở Đồng Nai đang trong tâm trạng như thế nào?

- Họ sợ lắm. Họ ở thế không có đường lui vì không có thuốc, không có vaccin và phải cắn răng chấp nhận. Người nuôi heo đang ở trong tình thế “Trời kêu ai người đó dạ”.

Chúng tôi khuyến cáo người dân để giảm áp lực lên đàn thì có thể bằng cách: trước đây người dân để heo khoảng hơn 120 ki lô gam mới bán, nhưng bây giờ thị trường chấp nhận heo 80 ki lô gam nên có thể chủ động bán sớm hơn để giảm áp lực về chuồng trại, tạo môi trường thông thoáng để tăng sức đề kháng cho đàn heo.

Chúng tôi khuyến cáo người dân giảm 30% đàn, tăng cường thức ăn. Thức ăn tốt, môi trường tốt thì rõ ràng sức đề kháng sẽ tốt hơn.

Có thông tin từ tiểu thương tại chợ đầu mối rằng, mấy ngày nay, mua thịt heo khó hơn. Theo ông điều đó xảy ra có phải do người chăn nuôi giảm đàn?

- Nguyên nhân là do lượng cung heo giảm. Dịch lở mồm long móng trước đó đã khiến số lượng heo giảm. Đó là do thiếu cục bộ. Đợt vừa rồi heo cai sữa bị dịch “đánh” nhiều.

Tôi cho rằng, giá thịt heo khoảng 45.000 đồng/ki lô gam là hợp lý và sẽ tốt cho người chăn nuôi và có sức cạnh tranh với các nước xung quanh trong khu vực.

Cả nước Nhật có khoảng 1 triệu đầu nái nhưng sản xuất được 28 triệu heo thịt. Việt Nam 3,5 triệu heo nái nhưng chỉ sản xuất được 32 triệu heo thịt, như vậy là ở Việt Nam năng suất còn thấp. Sau này gia nhập CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thì phải xem lại việc này thì mới có thể cạnh tranh được.

Ít nhất giảm 1 triệu nái mà vẫn đạt được 32 triệu heo thịt thì mới tăng năng suất lên. Nếu một ngày cho heo nái ăn 2 ki lô gam thức ăn thì giảm 1 triệu heo nái sẽ giảm được 2 triệu ki lô gam thức ăn và giảm sức nặng về môi trường.

Như ông nói, nguy cơ dịch tràn vào miền Nam rất lớn, Đồng Nai có biện pháp cụ thể như thế nào?

- Mỗi tỉnh đều có biện pháp rồi. Đồng Nai đã xây dựng các biện pháp triển khai trước đây 2-3 tháng. Trong tuần này sẽ có hội thảo chi tiết hơn.

Sự nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi

- Bệnh do virus gây ra.

- Tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%.

- Hiện chưa cho thuốc chữa và vaccin phòng chống.

- Lây lan rộng qua vận chuyển heo, vật chủ trung gian truyền bệnh...

- Virus có sức đề kháng cao với môi trường, virus có thể tồn tại với thời gian dài trong thịt đông lạnh, sản phẩm từ heo chưa được nấu chín. Trong thịt đông lạnh virus có thể sống được đến gần 1.000 ngày. Do đó, nếu mang thịt heo không rõ nguồn gốc vào trong trang trại thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Lan Đỗ (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: