Kể từ khi tốt nghiệp đại học năm 2009, phần lớn thời gian tôi công tác tại Chi cục thủy sản, Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Nơi tôi làm việc, huyện Tam Nông, là một trong những địa phương được chọn để thí điểm Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Ảnh minh họa
Do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nông dân, tôi có thể thấu hiểu sự nhọc nhằn của những người trực tiếp làm ra hạt lúa, củ khoai. Những ngày này, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang rớt thê thảm, giá cá tra cũng tụt dần từ sau Tết, tôi khá bất bình khi có ý kiến cho rằng, đó là tại nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường trước khi sản xuất, khiến nguồn cung dư thừa.
Đó không phải lập luận chính xác. Nông dân giờ đây hiện đại hơn nhiều so với thập niên trước. Một trong những người như vậy là anh Bùi Văn Hoa. Hơn 40 tuổi, thâm niên 20 năm trong nghề nuôi cá lóc ở Tam Nông, anh luôn tìm hiểu kỹ xu hướng thị trường qua các kênh truyền thông như báo chí, internet trước khi bắt đầu vụ nuôi mới. "Nuôi những đối tượng mới, chọn thời điểm trái vụ để thu hoạch, khi đó giá bán thường sẽ cao", anh cho tôi biết kinh nghiệm của mình. Trong vụ cá lóc năm 2016, với diện tích khoảng 2 hecta, giá bán trung bình 38.000 đồng mỗi ký cá, anh Hoa lời hơn một tỷ đồng.
Không riêng anh Hoa, nhiều nông dân Đồng Tháp cũng vậy. Họ không chỉ biết cập nhật thông tin online từ nhiều nguồn mà còn tập hợp offline thành những hội quán để cùng tìm hiểu thị trường. Đây là một mô hình mới, được hình thành trên tinh thần tự nguyện của nhiều nông dân sản xuất chung một sản phẩm. Hàng tuần, các thành viên gặp nhau ít nhất một lần, chia sẻ thông tin, phân tích, định hướng thị trường và kế hoạch của mình. Thực sự, tôi gần như không còn gặp nhiều nông dân lười nhác và không chịu tìm hiểu thông tin ở những vùng đồng bằng nơi tôi đi qua nữa.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận: tình trạng nông dân thất bại, thua lỗ vẫn cứ diễn ra ở khắp nơi. Giá cả nông sản vẫn thường xuyên vuột khỏi cái đầu dự đoán và tầm tay thu hái của nông dân. Anh Hoa cũng không phải là "siêu nhân", khoản lợi nhuận thu được từ vụ 2016 không đủ bù đắp cho phần thua lỗ năm 2017, khi giá cá lóc giảm chỉ còn 28.000 đồng mỗi cân.
Có vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, toàn bộ thông tin về nghề nuôi, trồng đã không được chia sẻ rộng rãi, đầy đủ và chính xác. Những người như anh Hoa dù lọ mọ cả ngày trên mạng cũng chỉ có thể đọc được một phần đặc tính và xu hướng của thị trường rộng lớn, đó là còn chưa nói đến thông tin bị thiên lệch bởi những nguồn không chính thống. Thứ hai, những biến cố bất thường như thiên tai, dịch bệnh - vốn ngày càng khó dự báo - nhưng lại luôn quyết định cán cân cung - cầu. Và cuối cùng là do sự cấu kết đâu đó của một số đầu mối giao dịch với nông dân, có cả thương lái hoặc doanh nghiệp, để làm sai lệch giá thị trường.
Nếu thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá cả sẽ ở mức cân bằng dựa trên tương tác giữa cung và cầu. Lập luận rất cơ bản của kinh tế học này có nghĩa: giá đúng được xác định khi lượng cung bằng với lượng cầu. Từ đó, quy luật cung cầu từ lâu được "gán ghép" là nguyên nhân chính gây ra tình trạng rớt giá nông sản tại Việt Nam. Khắp nơi trong cả nước, từ các diễn đàn, hội thảo đến các buổi uống trà của bà con đều có cụm từ này. Đó là một nhận định không sai, tuy nhiên, là chưa đủ để giải thích cho việc giá nông sản không dễ dàng dự đoán. Lý do quan trọng: chưa tồn tại một thị trường nông sản hoàn hảo tại Việt Nam.
Trong thực tế, xuất hiện nhiều dạng "thất bại" làm cho cơ chế thị trường không hoạt động, giá cả bị kéo lệch khỏi điểm cân bằng - nơi tạo ra giá đúng, một trong số đó chính là "bất cân xứng thông tin". Đó là tình trạng mà một bên sẽ có nhiều thông tin hơn bên còn lại trong một giao dịch. Áp dụng lý thuyết này vào trường hợp nông dân chặt bỏ thanh long cuối năm ngoái để kiểm chứng, trong khi các doanh nghiệp trong nước không tìm được nguồn nguyên liệu thì nông dân phải chấp nhận bán thanh long cho thương lái với giá rất thấp để xuất sang Trung Quốc. Rõ ràng "cầu" vẫn rất cao, nhưng "cung" lại dư thừa. Thương lái với vai trò bên mua biết nhiều thông tin hơn về thị trường, các đầu mối phân phối, họ thiết lập một mạng lưới tiêu thụ rộng khắp và vững chắc. Nông dân thì ngược lại, mặc dù rất cố gắng cập nhật thông tin, nhưng vẫn là bên yếu thế.
Lúc này, vai trò của nhà nước cần được thể hiện. Với con mắt bao quát toàn cảnh, kèm công cụ chính sách trong tay, nhà nước hoàn toàn có thể xử lý cơn tụt huyết áp của thị trường nông sản. Thiết lập những trung tâm phân tích thị trường độc lập tại các địa phương để đối trọng với thực trạng bất cân xứng thông tin là một lối ra. Trung tâm này vận hành trên cơ sở thống kê và phân tích dữ liệu thu thập trong và ngoài nước, đưa ra dự báo về xu hướng thị trường nông phẩm trong ngắn và trung hạn. Các dự báo được diễn giải cô đọng, dể hiểu và dễ tiếp cận qua các kênh thông tin phổ thông tới nông dân địa phương. Một trong những mô hình này là tổ thông tin và phân tích thị trường nông sản ra đời giữa năm 2018 tại Đồng Tháp. Nhóm này bước đầu đã hỗ trợ thông tin cho nông dân địa phương, được bà con hưởng ứng. Điều này cũng cho thấy tư duy quản lý nông nghiệp tại địa phương có thể thay đổi tích cực, và có thể can thiệp vào thất bại của thị trường.
Mặc dù hình ảnh "được mùa ngồi khóc" có thể còn tái diễn vì thị trường nông sản không thể hoàn hảo ngay lập tức. Song, những giải pháp giúp hình thành một thị trường tiệm cận hoàn hảo hoàn toàn trong tầm tay của các cơ quan liên đới. Thị trường sẽ không còn thất bại khi nông dân bớt đơn độc và tự tin quyết định số phận mớ rau, con cá của mình.
Lâm Trọng Nghĩa (vnexpress)
Lâm Trọng Nghĩa là cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Anh tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản; đang theo học Thạc sĩ tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
Không có nhận xét nào: