Ngày càng nhiều "đại gia" quan tâm đầu tư vốn, công nghệ vào các dự án sản xuất, chế biến nông sản quy mô lớn đã góp phần tạo nên bộ mặt mới cho ngành nông nghiệp
Vài năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam và thế giới còn khó khăn, các đại gia từ đủ ngành rầm rộ chuyển hướng sang nông nghiệp như một nơi tránh "bão". Vì đầu tư theo phong trào nên không mấy doanh nghiệp thành công ở lĩnh vực tưởng dễ mà rất khó này. Đơn cử như những dự án nuôi bò, trồng cao su, dầu cọ… đã dần thoái trào vì nhiều nguyên nhân. Chỉ có những dự án đầu tư bài bản ít nhiều đã gặt hái được thành công và đang chuyển tiếp sang giai đoạn đầu tư sâu rộng hơn.
Thêm nhiều dự án "khủng"
Những cái tên như VinEco, PAN Group, Vinamit, Hòa Phát, THACO, Hoàng Anh Gia Lai, T&T, Thành Thành Công (TTC)… với các dự án trị giá chục ngàn tỉ đồng đang dần thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp Việt Nam. Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) vừa ký biên bản ghi nhớ đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng vào 2 dự án nông nghiệp. Dự án đầu tiên là xây dựng trung tâm sản xuất lúa, ngô bằng công nghệ hiện đại, từ đó cung cấp giống chất lượng cao cho nông dân Tây Nguyên. Dự án thứ 2 là xây dựng cơ sở trồng trọt, chế biến, sản xuất cà phê thương hiệu thông qua tham gia đấu giá 1 công ty trồng và sản xuất cà phê.
Một trang trại trồng rau tự động của VinEco ở Đồng Nai Ảnh: Ngọc Ánh
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc PAN Group, cho biết chiến lược đầu tư bền vững của doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc hợp tác với nông dân và lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì số lượng, giảm giá như một số doanh nghiệp khác. Mô hình PAN Group áp dụng là sẽ quy hoạch, đưa ra các phương án hợp tác với nông dân để cùng triển khai sản xuất. Mô hình này đã được doanh nghiệp thực hiện thành công với dự án trồng hoa để xuất khẩu sang Nhật tại Lâm Đồng, vùng nguyên liệu trồng điều hữu cơ tại Bình Phước, vùng lúa gạo chất lượng cao tại Đồng Tháp và vùng nuôi tôm xuất khẩu tại Sóc trăng.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO), cho biết kể từ sau lễ ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tháng 8-2018 đến nay, THACO đã đầu tư vào doanh nghiệp này tổng số tiền gần 10.000 tỉ đồng để tái cơ cấu nợ, thay đổi sản phẩm thông qua chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu, phần lớn cao su sang cây ăn trái nhiệt đới các loại. Đồng thời, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất như làm đất, chăm sóc, thu hoạch trên diện tích sẵn có tại Việt Nam, Lào và Campuchia với 84.000 ha gồm chuối, thanh long, mít, bưởi, xoài…
THACO cũng chịu trách nhiệm và đã triển khai đầu tư hệ thống logistics gồm kho bảo quản tại nông trường, phương tiện vận chuyển chuyên dụng từ Lào, Campuchia về Việt Nam. Đầu tư 2 khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và tại khu vực Đông Nam Bộ với các chức năng là tổng kho bảo quản, sản xuất chế biến các sản phẩm từ trái cây, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp. "Đặc biệt, THACO hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nhằm tiêu thụ trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây thông qua xuất khẩu và trong nước. Ngay năm nay, dự kiến xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây với doanh thu khoảng 250 triệu USD. Năm 2020 sẽ tăng lên 800.000 tấn và hướng đến 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2021" - ông Dương thông tin.
Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group) của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB), cho biết sẽ đầu tư khoảng 3.300 tỉ đồng vào nông nghiệp ở Quảng Nam. Mục đích xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất, hình thành cánh đồng hoa và rau củ có năng suất, chất lượng…
Năm ngoái, tập đoàn này cũng thành lập Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống Xanh T&T (thương hiệu T.Vita) nhằm cung cấp sản phẩm nông sản sạch được nuôi trồng trên hệ thống công nghệ cao, đánh dấu sự tham gia của tập đoàn này trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để thương hiệu T.Vita ra đời sản phẩm nông nghiệp sạch, Tập đoàn T&T đã hợp tác với những đối tác uy tín trong ngành nông nghiệp công nghệ cao thế giới như P.Marom - công ty số 1 về công nghệ nhà kính của Israel, công ty lai tạo giống rau củ quả Enza Zaden của Hà Lan. Doanh nghiệp này cũng đã triển khai các vùng nguyên liệu tại vùng cao nguyên Tây Bắc, Lâm Đồng và đồng bằng sông Hồng giúp cung cấp sản phẩm năng suất cao, tươi ngon.
Thành công nhất đến nay có lẽ là VinEco của Vingroup. Sau gần 4 năm thành lập, VinEco đã xây dựng được hệ thống 15 nông trường, cung cấp cho thị trường khoảng 200 loại rau, củ, quả với tổng sản lượng trung bình 3.000 tấn/tháng và nhiều nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+.
Ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm
Vốn nổi tiếng trong giới doanh nghiệp thực phẩm, vài năm trở lại đây, Công ty CP Vinamit đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất hữu cơ (organic). Cụ thể, kể từ khi bắt tay đầu tư vào cải tạo đất, chuẩn bị các điều kiện về sản xuất vào những năm 2012-2013 đến khi được Mỹ và EU cấp chứng nhận hữu cơ năm 2016, Vinamit đã liên tiếp tung sản phẩm organic mới ra thị trường và nhanh chóng khẳng định thương hiệu, vị trí dẫn dắt ở Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã cấp chứng nhận hữu cơ cho Vinamit, mở thêm cánh cửa cho sản phẩm organic Vinamit ở cả 2 dòng tươi và chế biến vào thị trường tiêu dùng tỉ dân này.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết trên thị trường, ngoài các sản phẩm trái cây sấy là thế mạnh lâu nay của doanh nghiệp, "cuộc cách mạng" công nghệ sấy đông khô ở Việt Nam với chi phí đầu tư cao, công nghệ hiện đại cũng được Vinamit khai phá và làm chủ. Ban đầu là sữa chua sấy đông khô nhân trái cây, hạt, sau này có thêm hàng chục loại nước trái cây sấy đông khô, cà phê sấy đông khô.
Tính từ năm 2012 đến nay, Vinamit đã rót khoảng 200 tỉ đồng vào các nông trại và 150 tỉ đồng xây dựng nhà máy, nhập dây chuyền công nghệ. Dự kiến năm nay sẽ chi thêm 100 tỉ đồng cho các dự án này.
Ông Doãn Gia Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát), cho hay với kinh nghiệm quản trị sản xuất công nghiệp quy mô lớn, tập đoàn có lợi thế trong việc tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các nhà máy thức ăn, trang trại chăn nuôi của Hòa Phát đều có trình độ chuyên môn hóa, tự động hóa cao và thuộc loại tiên tiến nhất hiện nay. Các trang trại được triển khai theo hướng quy mô lớn, chăn nuôi vỗ béo theo quy trình khép kín, công nghệ cao nhằm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hòa Phát cũng đã vận hành chương trình hợp tác về dinh dưỡng thức ăn cho bò với chuyên gia hàng đầu của Úc nhằm bảo đảm đàn bò được chăm sóc theo tiêu chuẩn tối ưu, chi tiết đến từng loại bò.
Hiện sản lượng bò Úc của Hòa Phát chính thức chiếm 42% thị phần, đứng đầu tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng là đơn vị có quy mô lớn nhất trong ngành với các trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại tỉnh Thái Bình, Quảng Bình và Đồng Nai.
Về gia cầm, ông Cường cho biết tập đoàn đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 1 trại thương phẩm tại Phú Thọ với quy mô 600.000 gà đẻ trứng. Hệ thống chuồng nuôi, hệ thống ấp, hệ thống xử lý trứng được lắp đặt đồng bộ, công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay của các hãng thiết bị châu Âu.
Vốn vào nông nghiệp tăng nhanh
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết số lượng doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện có trên 50.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 9.597 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Đến năm 2017, cả nước có trên 7.000 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp; hình thành và phát triển một số doanh nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao tiếp cận và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Nhóm PV Báo NLĐ
Không có nhận xét nào: