Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng khi đầu tư vào nông nghiệp nhưng đều khẳng định việc hướng đến quy trình khép kín, đầu tư lớn cho chế biến sau thu hoạch là tất yếu
Chia sẻ về chiến lược đi sâu vào mảng nông nghiệp của Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty này, cho rằng dù ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển nhưng đã đến lúc phải thay đổi cơ bản và có thể phải làm lại từ đầu.
Tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
"Làm lại" theo ông Dương là phải hướng đến sản xuất công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để sản phẩm có chất lượng an toàn và tính ổn định, bảo đảm cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chế biến trái cây tại nhà máy Tanifood (Tây Ninh) Ảnh: An Na
Theo ông Trần Bá Dương, dựa trên những nguồn lực tích lũy được từ quá trình phát triển, đặc biệt từ sản xuất công nghiệp và cơ khí, THACO có thể tham gia đóng góp cho sự thay đổi cơ bản và phát triển ngành nông nghiệp của đất nước với tầm nhìn trở thành một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu. Định hướng của doanh nghiệp là hướng đến sản xuất nông nghiệp quy mô lớn áp dụng cơ giới - tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng, quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản. Trước mắt là trái cây và ngũ cốc (chủ yếu là lúa) sẽ được ứng dụng công nghệ cao và sử dụng vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học.
Mô hình của THACO trong nông nghiệp là chỉ tham gia sản xuất thông qua lập công ty hoạt động song song với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, chế biến và phân phối. Đây cũng chính là xu hướng làm "nông nghiệp không đất" với sự đóng góp 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Định hướng này của ông chủ hãng ôtô lớn không hề mâu thuẫn với con đường sản xuất công nghiệp nhiều năm qua, nhất là khi máy nông nghiệp là một trong những mảng thị trường ông đã nhắm tới từ khá lâu, dựa trên thế mạnh về cơ khí ôtô sẵn có.
Đồng thời, THACO còn có kế hoạch thành lập công ty phân phối bao tiêu sản phẩm cho Tập đoàn HAGL để xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây. THACO dự kiến xuất khẩu 300.000 tấn, tương ứng 15.000 container trong năm 2019. Hay với sản phẩm ngũ cốc, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án sản xuất công nghiệp ngũ cốc thông qua đầu tư khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình…
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, nhìn nhận đầu tư vào nông nghiệp phải tính khấu hao 10 năm, dạng "bỏ tiền chẵn thu về tiền lẻ" nên rủi ro rất lớn. Đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng không dễ nhưng buộc phải làm, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đang đổ vốn vào lĩnh vực này. "Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng nhưng đều hướng đến quy trình khép kín và chế biến sau thu hoạch" - ông Viên nhận xét.
Chẳng hạn, VinEco hướng đến chiếm lĩnh thị trường trong nước, THACO đi theo định hướng của HAGL là bán thức ăn tươi cho Trung Quốc và thành lập khu chế biến để đưa các doanh nghiệp như Vinamit vào. Trong khi Vinamilk đang phát triển sang mảng sản xuất hữu cơ, công nghệ sinh học; sản phẩm sữa hữu cơ và sữa chua Probi của Vinamilk khá thành công. TH Milk cũng theo trào lưu này... Vinamit cũng đang đẩy mạnh việc đưa công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến nông nghiệp, chủ yếu nhắm vào thị trường trung lưu Trung Quốc.
Cần nhà nước "xắn tay" vào hỗ trợ
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét việc các đại gia đầu tư vào nông nghiệp và đang hình thành những chuỗi giá trị, giúp xây dựng đồng bộ từ sản phẩm, thị trường… "Các doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp hiện giờ chủ yếu là làm công nghệ cao chứ không đại trà như trước. Doanh nghiệp có 5 điểm khác khi làm nông nghiệp là vốn, kỹ năng quản trị, hiểu thị trường, kết nối thẳng vào mạng lưới toàn cầu và có công nghệ. Khi đổ số tiền lớn vào đầu tư thì họ đã làm chủ những yếu tố này chứ không chạy theo kiểu "chặt tiêu trồng điều" mà làm bài bản, có sản phẩm đầu tư, có thị trường để bán và đây là lối ra cho ngành nông nghiệp" - bà Vũ Kim Hạnh nhận xét.
Theo các chuyên gia, trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, có người chỉ làm buôn bán, có người đầu tư ngay từ đầu về giống, có người mạnh về khâu chế biến hoặc có doanh nghiệp xây hẳn một chuỗi hoàn chỉnh. Nhưng quan trọng là tạo chuỗi giá trị chứ không còn manh mún như trước đây. Đặc biệt, trong chuỗi này đều có bóng dáng, sự tham gia của nông dân khi trở thành vệ tinh cung ứng sản phẩm, dần tích tụ đất đai như mô hình từ những cánh đồng mẫu lớn.
Đơn cử, từ năm 2016, sản phẩm nước dừa Cocoxim Organic nguyên chất của Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre - Betrimex (Tập đoàn TTC) đã được xuất khẩu sang 23 nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia nổi tiếng khó tính về nhập khẩu thực phẩm như: Mỹ, Úc, Đức, Bỉ, Hàn Quốc... Đến tháng 8-2018, doanh nghiệp này quyết định đưa dòng sản phẩm này về thị trường nội địa. Và để bảo đảm sự ổn định về năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hơn 90% và nhu cầu tiêu thụ trong nước, Betrimex đã triển khai dự án 10.000 ha vườn dừa organic (hữu cơ) cho nông dân theo theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Lãnh đạo Betrimex cho biết dự án 10.000 ha vườn dừa organic cho nông dân là sự chuẩn bị cho việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ giúp mang lại giá trị gia tăng cho nông dân, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt...
Trong khi đó, với vai trò thúc đẩy nông nghiệp phát triển bài bản hơn, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng nhà nước phải thương mại hóa hoạt động của mình. Như câu chuyện muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mới đây, họ yêu cầu Việt Nam phải gửi một danh sách những doanh nghiệp nào được cấp chứng nhận cho phép xuất khẩu qua thị trường này. "Nếu nhà nước không làm việc này, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu được. Đây không chỉ là sự hỗ trợ mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong xu hướng mới, tức đáp ứng những yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thị trường hơn, xắn tay vào làm, nếu làm chậm chừng nào, doanh nghiệp sẽ thiệt thòi và mất cơ hội" - bà Vũ Kim Hạnh nhìn nhận.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm gồm nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP". Bộ sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư bảo hiểm cho nông nghiệp, nông thôn.
Các chính sách cũng khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng tỉ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết trong sản xuất chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Nhóm phóng viên Báo NLĐ
Không có nhận xét nào: