Đông Nam Bộ có thế mạnh phát triển cây ăn quả nhưng nhiều năm qua lợi thế này vẫn chưa được phát huy. Một nguyên nhân chính là sự tham gia của khâu chế biến nông sản còn khiêm tốn, trái cây đa phần xuất bán thô nên giá trị thấp.
Vẫn xuất thô
Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất nước (12.385ha). Mùa tiêu thụ xoài đầu năm 2019, tình hình tiêu thụ khá trầm lắng. Kể cả vụ nghịch cuối năm trước, nhiều vùng mất mùa, sản lượng xoài cung cấp ra thị trường giảm mạnh, xoài rơi vào cảnh giá rớt mà vẫn không bán được.
Thiếu nhà máy chế biến, trái cây Đông Nam Bộ chủ yếu vẫn xuất thô. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Hoàng Việt Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Chế biến xoài xuất khẩu La Ngà (huyện Định Quán) cho biết trái xoài tươi Việt Nam sẽ không còn rộng cửa xuất khẩu như trước. Không chỉ vì các tiêu chuẩn kỹ thuật bị siết chặt, Trung Quốc còn tăng cao thuế, phí môi trường nên tỷ lệ nhập khẩu trái xoài tươi về nước này có xu hướng giảm dần.
Nhất là vài năm gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến xoài ngay tại Việt Nam và Campuchia để giảm nhập hàng tươi. Hiện trái xoài ba mùa mưa của Việt Nam cũng khó cạnh tranh được với trái xoài keo Campuchia.
Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất lớn. Hiện tỉnh này đã phê duyệt triển khai 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ trong đó có 6 dự án cho trái cây. Tuy nhiên nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất thiếu bền vững và bấp bênh.
Nguyên nhân chính là do công nghiệp chế biến nông sản phục vụ nông nghiệp còn yếu kém, lạc hậu. Điều này dẫn đến tình trạng phần lớn các mặt hàng nông sản phải xuất thô, giá trị thấp và phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường.
"Không phát triển công nghiệp chế biến nên sản lượng trái cây vào vụ thu hoạch quá lớn dẫn đến rớt giá. Nếu có công nghiệp chế biến thì có thể thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường”. Ông Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
Theo ông Nguyễn Trí Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhưng phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉnh cũng có hơn 3.000 cơ sở và hộ kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến chế biến nông sản thực phẩm nhưng đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Các hoạt động sơ chế là chủ yếu nên chưa mang lại giá trị gia tăng cao, trong khi việc chế biến hầu như đang bỏ ngỏ. Sở Công Thương đánh giá đây là một trong những lý do khiến nông dân trong tỉnh thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa...
Tăng cường chế biến
Theo Bộ NNPTNT, đa số các nhà máy chế biến trên cả nước hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu nên việc liên kết sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế. Sản phẩm đa phần chế biến đơn giản dưới dạng thô; không đảm bảo về chất lượng nên chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường khó tính.
Tại Bình Phước, sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh này vẫn mang tính chất nông hộ, ngoại trừ 1 trang trại đang sản xuất tập trung khoảng 20ha. Bình Phước cũng chưa có nhà máy chế biến bảo quản để liên kết phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm vì thế chủ yếu vẫn bán thô qua thương lái, và hay bị ép giá.
Tỉnh Tây Ninh xác định cây ăn quả sẽ là mặt hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp nên đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến và xây dựng vùng trồng. Tuy nhiên diện tích vùng nguyên liệu tập trung còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh. Phần lớn diện tích mới phát triển giai đoạn kiến thiết cơ bản nên chưa phát huy hiệu quả sản xuất.
Nhà máy chế biến Tanifood khánh thành hồi đầu năm 2019 tuy có quy mô và công suất lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn sản xuất thăm dò thị trường nên sản lượng và nhu cầu nguyên liệu chưa nhiều.
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ rõ công nghiệp chế biến nông sản sẽ là một trong những mũi nhọn cần tập trung phát triển thời gian tới. Đồng thời phải xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, từ đó xuất khẩu thì giá trị gia tăng cao, nông nghiệp mới phát triển bền vững. Từ định hướng này, Đồng Nai đã lựa chọn 2 cụm công nghiệp gồm Phú Túc (huyện Định Quán) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) để dành riêng mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: