» » Nông dân miền Tây 'đánh cược' vào cây mít Thái

Trong bối cảnh giá lúa gạo sụt giảm giảm mạnh, còn giá mít Thái luôn duy trì ở mức cao trong hơn hai năm qua đã khiến không ít hộ nông dân ở miền Tây mạnh dạn “bỏ lúa” chuyển sang trồng cây mít Thái mà chưa rõ rủi ro có thể xảy ra.

Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lên liếp trồng mít Thái. Ảnh: Trung Chánh

Theo đó, với giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái mua quanh mức chỉ 4.300-4.350 đồng/kg, tức doanh thu nông dân thu được chỉ khoảng trên 3 triệu đồng/công (30 triệu đồng/héc ta).

Trong khi đó, theo tính toán của bà con nông dân, với giá mít Thái hiện được thương lái tìm mua tại vườn lên đến 60.000-65.000 đồng/kg (mít loại 1, từ 9 kg/trái trở lên), thì mỗi trái đã đem về cho nông dân 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Như vậy, với mật độ trồng khoảng 120 cây/công và tính 1 cây mỗi lần thu hoạch được 1 trái (mít Thái cho trái quanh năm), thì nông dân thu ít nhất 60 triệu đồng đến trên 120 triệu đồng/lần thu hoạch/công, tương đương đạt doanh thu ít nhất 600 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng/lần thu hoạch/héc ta.

Qua bài toán như nêu trên, có thể thấy mức độ chênh lệch lớn về doanh thu giữa sản xuất lúa và trồng mít Thái. Đây cũng là lý do khiến nông dân ở miền Tây đang có xu hướng chuyển mạnh sang trồng loại cây này.

Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) cho biết, không phải đến bây giờ, mà cách đây khoảng 4-5 năm phong trào mở rộng diện tích trồng mít Thái đã có rồi.

Theo ông, trước đây giá mít Thái có lúc lên, lúc xuống, nhưng trong 2 năm gần đây giá tương đối tốt, cho nên bà con nông dân ở nhiều địa phương trong vùng như Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh trồng mít Thái. “Hiện, đây gần như là cơn sốt ở tất cả các địa phương ĐBSCL”, ông nói.

Ghi nhận thực tế của TBKTSG Online tại các địa phương như Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, ngay trong vụ đông xuân 2019 này, nông dân đang có kế hoạch tiếp tục chuyển mạnh sang trồng mít Thái khi vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 kết thúc, thậm chí có nhiều hộ nông dân đã tranh thu mua sẵn cây giống dù ruộng chưa lên liếp trồng.

Theo ông Lập, so với giống mít nghệ truyền thống của Việt Nam thì mít Thái có nhiều ưu điểm hơn như có chất lượng ngon, dễ trồng, dễ thu mua, cung ứng, phân phối và tiêu thụ.

“Mít Thái còn có đặc điểm thịt ráo, vàng khi chín, còn mít nghệ của Việt Nam có nước. Vì vậy, việc bán lẻ tiêu dùng trong nước, có thể chẻ trái mít ra bán từ sáng đến tối cũng không có vấn đề gì, trong khi mít nghệ bán lẻ để vậy sẽ bị tươm nước, bán không hết coi như qua hôm sau bỏ luôn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông Lập cho biết, chỉ có một phần nhỏ được tiêu thụ trong nước và phần lớn, có đến khoảng 80% là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Trung Quốc là thị trường rộng lớn, nhu cầu lớn và tiêu thụ nhiều chủng loại trái cây, chứ không riêng mít”, ông nói và cho biết mít là loại trái cây đã được xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ năm 2009 đến nay.

Dù là loại cây trồng đang được người dân khu vực miền Tây “tích cực” gia tăng diện tích, nhưng cho đến nay, theo ông Lập, chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về quy trình nhân giống, canh tác, bảo vệ thực vật…

Còn về thị trường, theo ông Lập, hoàn toàn chưa có một nghiên cứu nào về thị trường tiêu thụ, mà chủ yếu do phát triển tự phát. “Nghiên cứu về thị trường mít, thì nói chung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều cây ưu tiên hơn nên cây này chưa được quan” ông nói.

Rõ ràng, khi thị trường tiêu thụ mít còn bị mù mờ, nhất là về độ lớn tiêu thụ, cho nên, sẽ rất khó để các đơn vị quản lý đưa ra một khuyến cáo hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Trung Chánh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: