Hiện nay, nhập khẩu đường trắng hay đường thô đang là câu hỏi được nhiều Tổ chức - Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.
Dù câu chuyện nhập khẩu đường đã và đang trở nên bình thường khi Việt Nam bước vào hội nhập nhưng vẫn còn nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề trên.
Hình minh họa
Thực tế cho thấy, đa số các nước nhập khẩu đường trên thế giới đều nhập đường thô về chế luyện. Hoạt động này giúp tiết kiệm ngoại tệ, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong nước và quan trọng hơn là quản lý được chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đường, góp phần ổn định nguồn cung nội địa, bình ổn giá thành sản phẩm.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), khi Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN (ATIGA) có hiệu lực thi hành, được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Trong đó, khoảng 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn sẽ bị tác động nặng nề nhất và khả năng cao sẽ phải đóng cửa do thua lỗ. Ước tổng số tiền thiệt hại có thể lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động. Do vậy, ngay từ cuối năm 2016, VSSA đã trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành cơ chế chính thức và thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường. Tính đến giai đoạn hiện tại, 41 nhà máy đường Việt Nam có tổng công suất thiết kế 155.000 tấn mía/ngày, trong đó khoảng 50% công suất thiết kế của các nhà máy đường là sản xuất đường tinh luyện (có 11 nhà máy sản xuất đường luyện từ mía và 1 nhà máy đường luyện từ đường thô).
Thực tế, phát triển bền vững phải đến từ việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi kèm với giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, trong đó đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động để ổn định đời sống là một trong những hoạt động quan trọng, một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi giá trị nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung.
Những năm vừa qua, một số nhà máy có công nghệ sản xuất đường tinh luyện ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, vẫn phải nhập khẩu đường thô về để sản xuất đường tinh luyện phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây cũng là phương thức mà nhiều nước trên thế giới có khả năng luyện đường đã và đang thực hiện. Họ nhập đường thô về tinh luyện để cung cấp trong nước thay vì nhập đường tinh luyện hay còn gọi là đường trắng.
Việc nhập khẩu đường thô theo hạn ngạch thuế quan sẽ góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường (trong đó có 45.000 tấn đường tinh luyện) năm 2016 cho thấy, nếu số đường tinh luyện chuyển sang nhập đường thô sẽ tiết kiệm được khoảng 4,5 - 5,4 triệu USD do giá nhập khẩu đường tinh luyện cao hơn so với nhập đường thô từ 100 - 120 USD/tấn. Song song đó, nhà nước cũng sẽ thu thêm được các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường khi họ nhập về sẽ sản xuất ra đường tinh luyện để tiêu thụ.
Nhìn lại thực tế thị trường trong nước và thế giới, việc nhập khẩu đường thô không chỉ đem lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp, nhà nước, sức khỏe người tiêu dùng vì được kiểm soát chất lượng. Nhập khẩu đường thô còn giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như: Bao bì, than, nguyên phụ liệu... đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, gia tăng phí dịch vụ hỗ trợ.
Trái ngược với việc nhập khẩu đường thô, nhập khẩu đường trắng ngày càng bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Chi phí nhập khẩu đường trắng cao hơn so với đường thô từ 100 - 120 USD/tấn. Nghịch lý dễ thấy là ngành đường trong nước phải bỏ ra một khoản chênh lệch chi phí đáng kể khi nhập đường trắng thay vì đường thô, trong khi công suất các nhà máy luyện đường trong nước đủ khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu đường trắng với hạn ngạch quá lớn, về lâu dài, có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hiệu quả thúc đẩy hoạt động nông nghiệp, canh tác sản xuất của các hộ nông dân, cũng như cắt giảm nhu cầu lao động tại các nhà máy, lãng phí năng suất lao động của một nguồn nhân công lớn với nhu cầu làm việc rất cao…
Do đó, diễn tiến thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đang có xu hướng nhập đường thô về tinh luyện trong nước để tạo giá trị gia tăng thay vì nhập khẩu trực tiếp đường trắng. Đơn cử, chỉ tính riêng niên vụ 15 - 16, sản lượng đường thô xuất khẩu của Brazil là 19,5 triệu tấn (chiếm 82% tổng sản lượng đường xuất khẩu), Thái Lan 4,8 triệu tấn (chiếm 64%), Ấn Độ 0,15 triệu tấn (chiếm 7%).
PV Báo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào: