Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, một số công ty sản xuất, thu mua, chế biến nông sản sắp tới sẽ hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị này được hy vọng sẽ củng cố vùng nguyên liệu mía và thu mua cho nông dân.
Theo số liệu của Sở NNPTNT Long An, đến cuối tháng 2.2019 vẫn còn hơn 60% diện tích mía (gần 6.000ha) của tỉnh này chưa được thu hoạch.
Tin vui cho người trồng mía
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, sắp tới Công ty CP Nafoods Group sẽ đưa nhà máy chế biến trái cây (ở huyện Đức Hòa) đi vào hoạt động, có khả năng khôi phục lại vùng mía và vùng nguyên liệu cho việc chế biến sản phẩm trái cây của Long An.
Làm ra cây mía đã cơ cực, giờ không bán được khiến nông dân thua lỗ triền miên
Ngoài ra, sắp tới Tập đoàn Thành Thành Công (Tây Ninh) cũng đầu tư vào tỉnh Long An. Tập đoàn đang xin phép tỉnh cho khôi phục lại hoạt động nhà máy đường của Công ty CP Nivl (ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức). Công ty còn muốn khôi phục vùng nguyên liệu mía (khoảng 10.000ha). Vùng nguyên liệu chủ yếu tập trung các xã phía Nam huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thạnh Hóa và Thủ Thừa. Hiện, các huyện đã đăng ký 5.500ha.
Những năm trước, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Long An chủ yếu bán mía cho nhà máy đường của Công ty CP Nivl. Hiện, công ty này nợ trên 100 tỷ đồng thuế không có khả năng chi trả, chưa kể tiền nợ mua mía của nông dân. Vừa qua, tại Long An, đã có tình trạng nông dân bán mía phải nhận đường của công ty này.
Nhà máy đường của Công ty CP Nivl giờ hoang phế
“Các thông tin trên sẽ giúp bà con nông dân vùng mía chuyển đổi cây trồng phù hợp. Sắp tới, nông dân trồng mía phải liên kết chặt chẽ hơn, nhất là tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để có vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định”, ông Thiện cho biết thêm.
“Treo” đồng…
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An Nguyễn Chí Thiện, hiện nay, bà con nông dân đang loay hoay với cây mía. Ngành NNPTNT đang có kiến nghị UBND tỉnh giảm quy hoạch vùng nguyên liệu mía.
Bà Trần Thị Thúy Diễm (ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cho biết, gia đình bà làm mía nhiều năm nay. Hai năm trước bị lỗ vốn do lái thu mua giá quá thấp buộc lòng gia đình phải phá 1ha để trồng mì, 2ha còn lại chưa có tiền đầu tư nên vẫn “treo” đó.
Bà Trần Thị Thúy Diễm trên cánh đồng mía giờ bỏ hoang.
Cũng theo bà Diễm, nhiều nông dân ở khu vực này trước đây trồng mía giờ loay hoay không biết trồng cây gì thay thế. “Nhiều hộ gia đình do hai năm liền thất bại nên không còn đủ vốn để đầu tư, đành “treo” ruộng mía. Việc phá bỏ 1ha mía phải tốn từ 2-5 triệu đồng”, bà thổ lộ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An không còn nhà máy thu mua mía buộc lòng nông dân phải bán mía cho thương lái với giá cao hoặc vận chuyển mía qua các tỉnh bạn để bán, chi phí vận chuyển và nhân công khiến người nông dân “chịu không thấu”.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa Nguyễn Văn Chót cho biết, đầu vụ 2019 diện tích trồng mía trên địa bàn huyện Thủ Thừa còn khoảng trên 800ha, nhưng chỉ thu hoạch trên 100ha. Nhiều hộ nông dân đã chuyển qua trồng mì.
Thất vọng với cây mía giá bèo bọt, nông dân trồng mía chuyển sang trồng mì rồi cho thuê đất.
Cũng theo ông Chót, hiện một số hộ trồng mía chuyển đổi qua trồng chanh và khóm, bưởi… chờ nhà máy của Công ty Nafood đi vào hoạt động sẽ thu mua nông sản của bà con.
Hiện, nhiều địa phương trồng mía ở Long An, đang có tình trạng nông dân bỏ đồng hoang, chuyển sang trồng cây khác, thậm chí bán đất.
Đại Lâm (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: