» » Hình ảnh cá tra Việt xuất khẩu ngày càng được cải thiện

Năm 2018, số lô hàng cá tra bị phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm trong xuất khẩu là 84 lô, tỷ lệ vi phạm là 0,39%, giảm so với năm 2017 là 0,89%.  

Số lô vi phạm giảm

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, để kiểm soát nguồn nguyên liệu an toàn cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được yêu cầu tiên quyết của các thị trường nhập khẩu khi xuất khẩu cá tra vào các thị trường này (như EU, Liên minh Kinh tế Á Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil…), Cục được giao thực hiện Chương trình giám sát quốc gia dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi cho các đối tượng thủy sản nuôi thương phẩm có sản lượng, giá trị lớn. Riêng đối với cá tra, phạm vi giám sát của Chương trình hiện nay bao gồm 34 vùng nuôi cá tra thương phẩm thuộc 11 tỉnh khu vực Nam bộ (Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An).

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho hay, tỷ lệ mẫu cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm trong Chương trình năm 2018 là cao nhất trong 4 năm gần đây. Các chỉ tiêu bị phát hiện chủ yếu là hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản như: Chloramphenicol, SEM, AOZ, Malachite Green/Leucomalachite Green, Enrofloxacin/Ciprofloxacin, Crystal violet. Việc tìm ra nguyên nhân đã giúp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ngay trong quá trình nuôi, góp phần quan trọng hạn chế số lượng các lô hàng cá tra vi phạm khi kiểm tra trước khi xuất khẩu. Từ đó giúp số lượng lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu trong năm 2018 giảm mạnh so với các năm trước.

Hình ảnh cá tra Việt xuất khẩu ngày càng được cải thiện

Cụ thể, tổng khối lượng các sản phẩm cá tra xuất khẩu vào một số thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam được kiểm tra và cấp chứng thư năm 2018 là 21.350 lô, tăng khoảng 5% số lô so với năm 2017. Trong năm 2018, số lô hàng cá tra bị phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm là 84 lô, tỷ lệ vi phạm là 0,39% (giảm so với năm 2017 là 0,89%). Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu bao gồm: hóa chất kháng sinh cấm như: CAP, Enrofloxacin, Ciprofloxacin; vi sinh vật gây bệnh như: E.Coli, Salmonella, Listeria Monocytogenes. Ngoài ra, một số lô hàng không đảm bảo các quy định về ghi nhãn, cảm quan, ngoại quan.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết thêm, trong năm 2018, Cục nhận được thông tin về 6 lô hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm đáng kể so với những năm gần đây. Các thị trường cảnh báo là EU (2 lô), Hoa Kỳ (3 lô), Liên minh Kinh tế Á-Âu (1 lô). Các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina trong những năm gần đây không có lô hàng cá tra nào bị cảnh báo.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu

Để nâng cao hình ảnh cho cá tra Việt, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề nghị, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP… Chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị Cục Thú y quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất xử lý nghiêm các vi phạm trong NK, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường không có trong danh mục được phép sử dụng. Tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên cá tra để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc 4 đúng.

Các doanh nghiệp sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất sản phẩm cá tra. Chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng phụ gia, hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng…; Chủ động kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh theo quy định của nước nhập khẩu và hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền Việt Nam.

Đối với riêng thị trường Hoa Kỳ, tuy kết quả đánh giá thực địa do Cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thực hiện trong tháng 5/2018 vừa rồi rất khả quan. Song Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lưu ý các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra vào thị trường này một số nội dung như: Nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ cần liên tục được duy trì ở điều kiện vệ sinh tốt, đặc biệt là các chi tiết bên trong thiết bị. Đối với chương trình quản lý chất lượng theo HACCP cần được nghiên cứu chuyển đổi phù hợp với các hướng dẫn liên tục được cập nhật của FSIS (trước đây các doanh nghiệp vẫn áp dụng theo HACCP của FDA) và phải phù hợp với thực tế sản xuất tại nhà máy.

Đối với thị trường EU, mặc dù tình hình các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam được cải thiện rất đáng kể từ năm 2014 tới nay nhưng vẫn khiến cơ quan thẩm quyền EU quan ngại. Trong đợt thanh tra sắp tới, EU sẽ tập trung vào hoạt động kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh, do vậy, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu này trong các lô hàng xuất khẩu sang thị trường các nước EU.

Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: