Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, nhiều người vẫn có thói quen tạt qua các chợ dân sinh, chợ cóc bên đường để mua thịt lợn bày bán ngay trên vỉa hè. Nhưng thời điểm này, những cửa hàng, quầy hàng thịt có dấu kiểm soát giết mổ ngày càng hút khách. Đáng mừng là 3 ngày gần đây, lượng thịt heo tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh khá thuận lợi.
Theo Cục Thú y, đến thời điểm này, đã có 476 xã của 91 huyện, thuộc 23 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, Vĩnh Phúc là tỉnh vừa mới công bố có dịch bệnh vào sáng 27/3. Ảnh minh hoạ
Thịt lợn sạch bán chạy
Mới 5 giờ sáng, cửa hàng Hương quê FARM tại đường 3, lô 201, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) đã có người đến mua thịt. Chỉ khoảng 1 giờ sau, hơn 70kg thịt móc hàm đã được bán hết.
Ông Trần Văn Ngọc, trú tại phường Đông Thọ, một khách hàng “ruột” của Hương quê FARM cho hay, gia đình ăn ông vẫn ăn thịt lợn kể từ khi có bệnh dịch tả lợn châu phi xuất hiện. Tuy nhiên, ông thường mua thịt ở những quầy hàng quen thuộc, có uy tín, được cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh.
Bà Tống Thị Hiền, chủ cửa hàng Hương quê FARM cho biết, trong khó khăn chung của người chăn nuôi, cửa hàng lại thêm tin tưởng vào chiến lược kinh doanh bền vững của mình. Đó là sự đồng hành, sẻ chia với người chăn nuôi cũng như giữ chữ tín đối với khách hàng.
“Chúng tôi là cửa hàng cung cấp thịt lợn của Tập đoàn CP. Mặc dù doanh số bán lẻ thịt lợn ở đây chưa nhiều nhưng vấn đề là chiến lược kinh doanh lâu dài. Đây là cơ hội để cửa hàng đưa những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng. Lâu nay, người dân chưa quan tâm lắm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhưng trong và sau đợt dịch này, quan niệm đó sẽ thay đổi. Sau vài tuần trầm lắng thì nay, quầy thịt của chúng tôi đã sôi động trở lại”, bà Hiền chia sẻ.
Người dân đến mua thịt lợn tại cửa hàng Hương quê FARM. Ảnh: NNVN
Trong đợt dịch lần này, những trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn vốn đã có thị trường, đối tượng tiêu thụ riêng nên vẫn giữ được khách hàng. Điều đặc biệt là, lượng khách hàng của các trang trại không những không giảm mà còn tăng. Giá lợn hơi xuất chuồng vẫn cao hơn ngoài thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Cường, chủ một trang trại lợn án toàn tại thôn Kỳ Lạc Giang, xã Đông Hoàng (Đông Sơn, Thanh Hoá) cho hay: “Giá lợn hơi giảm so với trước thời điểm dịch tả lợn châu Phi khoảng 10.000 đồng/kg kéo theo lợn chăn nuôi theo hướng an toàn cũng giảm. Tuy nhiên, với giá lợn hơi trên dưới 40.000 đồng như hiện nay thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vẫn có lãi vì chi phí đầu vào giảm đáng kể. Điều quan trọng là những khách hàng “ruột” vẫn tiêu thụ thịt lợn như ngày thường”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng giám đốc Masan Group cho biết: Từ tháng 8/2018, Cục Chăn nuôi đã cảnh báo cho chúng tôi là Việt Nam có khả năng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên chúng tôi đã tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Lợi thế của chúng tôi là có chuỗi sản phẩm thịt lợn 3F từ trang trại đến bàn ăn.
"Chúng tôi không nhập tất cả bột động vật, bột xương ở những nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong sản xuất thức ăn; tăng cường kiểm soát các sản phẩm nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Quá trình sản xuất thức ăn từ nhà máy đến khu chăn nuôi của Tập đoàn đều sử dụng xe có bạt che phủ kín và sát trùng để đảm bảo thức ăn khong tiếp xúc với môi trường bên ngoài...
Masan cũng nằm trong những đơn vị chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng hiện tại, trung bình nhà máy vẫn xuất bán gần 300 con lợn/ngày (tăng gấp đôi so với tháng trước). Chúng tôi cam kết với người tiêu dùng không tăng giá sản phẩm, không tranh thủ cảm giác lo sợ của bà con để trục lợi trong hoạt động kinh doanh" - ông Nam khẳng định.
Giá heo hơi (lợn hơi) có dấu hiệu hồi phục
Hiện, giá lợn hơi ở miền Bắc tăng giảm không đều, ví dụ trong khi giá lợn hơi ở Hải Dương tăng nhẹ 1.000 đồng/kg thì tại Hà Nội, giá lại giảm còn từ 34.000 - 35.000 đồng/kg. Các địa phương khác dao động chủ yếu từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Bảng giá heo hơi ghi nhận trong ngày 21/3. Nguồn: AnovaFeed
Tại khu vực miền Trung, do dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế nên giá heo hơi tại khu vực miền Trung đang giảm mạnh, từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên –Huế giá chỉ dao động từ 31.000 đồng/kg cho đến 34.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với trước.
Đáng chú ý, tại khu vực Đồng Nai, giá heo hơi hôm nay tăng nhẹ thêm 1.000 đồng/kg, lên mức 41.500 đồng/kg. Tại Tiền Giang, trong ngày 28/3 cũng ghi nhận giá heo hơi đạt 41.000 đồng/kg.
Quảng Bình hiện là các tỉnh có mức giá thấp nhất cả nước khi chỉ đạt 31.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh trong ngày 28/3 cho thấy, lượng heo về chợ hiện dao động từ 3.000 - 4.000 con/đêm. Điều đáng vui mừng là trong 3 ngày liên tiếp, lượng heo mảnh tiêu thụ tốt, các tiểu thương tiêu thụ nhanh.
Giá lợn hơi sẽ sớm hồi phục
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, nguồn cung thịt lợn từ các trang trại chăn nuôi trong nước không nhiều. Tuy nhiên, do tâm lý lo sợ của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt lợn khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nên nhu cầu sử dụng thịt lợn ở thời đoạn ngắn hạn sẽ bị hạn chế, thay vào đó là các thực phẩm khác như thuỷ sản, gia cầm, thịt bò, thịt trâu, trứng...
Kinh nghiệm cho thấy, thịt lợn chiếm tới 70% nhu cầu thực phẩm của người Việt Nam và rất khó để tìm ra loại thịt nào thay thế.
"Nếu thời điểm này, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn an toàn, nhất là sản phẩm thịt lợn được sản xuất theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, thì chắc chắn giá lợn sẽ tăng từ 32.000 - 33.000 đồng lên 40.000 đồng (ở miền Bắc) trong thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ trong khoảng một tuần", ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Thiên Ngân (T.H)/ Dân Việt
Không có nhận xét nào: