Nhiều doanh nghiệp kết nối tiêu thụ mua lúa cho nông dân, nhưng sau đó “xé” hợp đồng khiến lượng lúa đang tồn rất lớn trên đồng ruộng.
Tại huyện Thạnh Hóa - một huyện chuyên canh lúa của tỉnh Long An, trước vụ đông xuân 2018 - 2019 có 3 doanh nghiệp kết nối thu mua lúa cho nông dân.
"Đau tim" với doanh nghiệp thu mua
Theo ông Nguyễn Kinh Kha – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thạnh Hóa, đến nay đã có 2 doanh nghiệp hủy hợp đồng, 1 doanh nghiệp thu mua lúa đủ số tiền đặt cọc rồi… bỏ chạy.
Lúa đang tồn rất nhiều trên đồng khu vực Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trần Đáng
Anh Nguyễn Văn Giang - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Thạnh An than thở, hợp tác xã vừa “bể” hợp đồng với một doanh nghiệp thu mua lúa thuộc loại “đại gia” của tỉnh Long An.
“Giám đốc doanh nghiệp này đặt trồng 50ha lúa IR50404 với giá 4.050 đồng/kg, họ đặt cọc 250 triệu đồng”, ông Giang cho biết.
Thực hiện hợp đồng này, ông Giang tổ chức cánh đồng lớn cho các thành viên hợp tác xã làm. Tới lúc thu hoạch, doanh nghiệp này chỉ đến thu mua vừa đủ số tiền đặt cọc rồi… biến mất. Số lúa còn lại các thành viên hợp tác xã phải tự lo bán.
Thậm chí, theo ông Giang, doanh nghiệp còn buộc nông dân phải thu lại đủ số tiền đặt cọc trả họ.
Bà Lê Thị Bé Tư – một nông dân trồng lúa trong hợp đồng này cho biết, bà nhận 12 triệu đồng tiền cọc rồi trồng 4ha lúa.
“Tui thu hoạch tổng cộng 30 tấn lúa. Doanh nghiệp đến thu mua 11 tấn, số còn lại tui phải chạy đôn, chạy đáo kêu thương lái đến thu mua với giá thấp” - bà chia sẻ.
Ông Hai Xuân (thứ hai, phải sang) cho biết, đã vài lần làm ăn thất bại theo kiểu liên kết với doanh nghiệp, Giờ ông tự sản xuất lúa, tự kêu thương lái bán.
Trong khi đó, tại huyện Tân Hưng, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Tân Hưng Nguyễn Hữu Trí cũng đang sốt ruột hối thúc doanh nghiệp thu mua hết lúa theo hợp đồng. Hiện, trong số 500ha lúa Đài thơm doanh nghiệp đặt hàng vẫn còn 61ha họ chưa đến thu mua.
“Hợp tác xã ký hợp đồng với doanh nghiệp làm lúa Đài thơm xuất khẩu. Hiện còn 61ha chưa thu hoạch, doanh nghiệp hứa vài ngày nữa đến thu hết. Mong là vậy” - ông Trí thổ lộ.
Nản lòng liên kết làm ăn…
Theo UBND tỉnh Long An, vụ lúa đông xuân này, tỉnh đã tổ chức được 103 lượt cánh đồng lớn, xuống giống hơn 9.200ha với gần 2.900 hộ tham gia. 16 doanh nghiệp đã tham gia kết nối thu mua lúa cho nông dân.
Việc doanh nghiệp "bẻ kèo", thu mua nhỏ giọt đang làm tình hình thu mua lúa cho nông dân ngày càng "nóng".
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện tình hình tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2018 - 2019 đang gặp nhiều khó khăn. Giá lúa tươi bán tại ruộng giảm mạnh so với tháng trước.
Một số doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu cánh đồng lớn không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng. Số lượng thương lái tham gia thu mua lúa ít.
Ông Giang cho biết, rất nản lòng với cách doanh nghiệp hành xử khi thực hiện hợp đồng kết nối tiêu thụ lúa cho nông dân. “Hợp tác xã mới thành lập và lần đầu tiên liên kết làm ăn với doanh nghiệp. Nhưng với kiểu mua bán như thế này, chắc hợp tác xã sẽ không bao giờ còn dám làm ăn với doanh nghiệp nữa”, ông bức xúc.
Ông Ngô Quốc Đạt – Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An chia sẻ, xã đang đẩy nhanh triển khai xây dựng cánh đồng lớn trồng lúa, thành lập hợp tác xã với nhiều bà con đang tham gia.
Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết, vài ngày tới áp lực thu mua lúa càng nặng nề hơn, khi nông dân đồng loạt thu hoạch lúa.
“Nhưng cứ kiểu doanh nghiệp làm ăn như thế này, tỉnh Long An sẽ gặp khó với chủ trương khuyến khích nông dân tham gia cánh đồng lớn, liên kết làm ăn với doanh nghiệp”, ông bộc bạch.
Ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cũng thừa nhận điều này. “Vài hôm nữa, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn thu mua lúa cho bà con” - ông Thiện cho biết.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thu mua 200.000 tấn gạo, 80.000 tấn lúa trong dân, nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay.
Trần Đáng (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: