Những vùng đất lúa, ruộng khóm, vườn bưởi... ở ĐBSCL đang được chuyển đổi thành vườn mít. Diện tích đất trồng mít tăng nhanh.
Nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp mở rộng diện tích mít trên đất lúa - Ảnh Ngọc Tài
Lợi nhuận hấp dẫn trước mắt từ cây mít và câu chuyện thị trường tiêu thụ loại nông sản này cho chúng ta thấy điều gì?
Các thống kê cho thấy diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL hiện đã hơn 60.000ha, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Nhiều vùng đất lúa chuyển sang trồng mít.
Ruộng khóm ở huyện Tân Phước, Tiền Giang; vườn bưởi ở Bình Minh, Vĩnh Long và ruộng lúa ở Tháp Mười, Đồng Tháp cũng đang được nông dân nhanh chóng chuyển sang trồng mít Thái.
Từ lợi nhuận hấp dẫn
Nguyên nhân chỉ vì lợi nhuận hấp dẫn vượt trội từ cây mít siêu sớm so với lúa và nông sản khác. Theo tính toán của bà con, nếu trồng lúa thu nhập chỉ khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha, chỉ đủ trang trải từ 15 - 30% nhu cầu chi tiêu của hộ gia đình.
Còn trồng mít Thái, với giá hiện lên đến hơn 60.000 đồng/kg, mỗi hecta một năm thu hơn 1 tỉ đồng. Lợi nhuận gấp hơn 30 lần như vậy, hỏi sao nông dân không bỏ lúa trồng mít?
Theo những nông dân trồng mít Thái lâu năm, chi phí đầu tư cho loại cây này cũng vừa sức. Chỉ cần bán giá khoảng 10.000 đồng/kg là đã có lời. Thậm chí có người khẳng định chỉ cần bằng với giá lúa (5.000 đồng/kg) thôi, người trồng mít cũng sống được.
Thực tế không phải lúc nào mít cũng bán được giá cao ngất như hiện nay. Giá mít cũng từng "nhảy múa", có lúc chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg khi thương lái không mua, khiến người trồng nản lòng chặt bỏ. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay mít có giá cao, có khi một trái 20kg giá đến 1 triệu đồng.
Lợi nhuận từ mít có khi gần bằng sầu riêng, chưa kể chỉ trồng sau một năm loại mít này đã cho trái... Vậy nên, nông dân ĐBSCL vẫn cứ đổ xô trồng mít Thái dù từng có khuyến cáo "cung vượt cầu".
Có đầu ra, nhưng...
Một chủ doanh nghiệp ngành trái cây ở ĐBSCL mới đây cho biết anh vừa nhận đơn đặt hàng mua mít Thái của 2 doanh nghiệp... Thái Lan. Họ cho biết khách hàng của họ bên Trung Quốc muốn ăn mít ngon hơn nữa, an toàn hơn nữa và hỏi anh có làm chuẩn GlobalGAP được không.
Nhưng doanh nghiệp này đành phải lắc đầu, bởi dù diện tích trồng mít đang gia tăng nhưng cho đến nay chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về quy trình nhân giống, canh tác, bảo vệ thực vật cho giống mít này. Đây chính là lỗ hổng mà công tác khuyến nông cần sớm lấp đầy.
Xin nhớ cho, mít không phải là một loại cây trồng mới và không có đầu ra. Cho đến nay, trong số 8 loại trái cây Việt được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mít đứng đầu bảng vì được cấp phép sớm nhất, từ năm 2009.
Khác với một số loại trái cây khác, mít đang được nhiều doanh nghiệp chế biến săn lùng để sấy. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp không dám sấy mít Thái vì giá quá cao và 15kg mít trái mới cho ra 1kg thành phẩm mít sấy.
Thị trường tiêu thụ mít sấy rộng khắp từ châu Âu sang Trung Đông. Vì vậy, cho dù sau thời kỳ giá cao, giá mít Thái chắc chắn sẽ giảm xuống nhưng nhờ vào khả năng chế biến nên tiềm năng của trái mít vẫn còn.
Thực tế, không có bất kỳ ngành hàng nào có thể chiếm lĩnh thị trường một cách ổn định, lâu dài tuyệt đối. Dòng vốn sẽ lưu động liên tục và đổ vào những nơi có lợi nhuận hấp dẫn nhất. Nhiều người đang ôm tiền tỉ về Tiền Giang, Vĩnh Long tìm mua đất trồng mít hi vọng giá mít vẫn ở mức cao, trong thời gian không quá ngắn.
Khi giá mít hạ, chủ vườn có thể chặt cây mít để trồng cây khác có thể lợi nhuận tốt hơn. Một phần trong số họ sẽ chịu thiệt hại, chủ yếu là những người đi sau. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hay nhỏ chủ yếu là do cách làm và quyết định của người trồng mít, bởi các nhà máy chế biến vẫn còn đó, và mít trái vẫn có đầu ra dù giá cả có thể không còn cao như hiện nay.
Tín hiệu thị trường là đây!
Chúng ta thường kêu gọi nông dân "sản xuất theo tín hiệu thị trường". Giá mít Thái cao chót vót đấy chính là tín hiệu thị trường chứ còn gì nữa. Thêm nữa, người ta vẫn nói về việc chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi.
Trồng mít, ĐBSCL có thêm một nông sản mang lại ấm no cho nhà nông, không phải sao? Giá mít cao, có thị trường xuất khẩu, các nước cũng có thể sẽ chuyển sang trồng mít. Và nông sản Việt gặp khó khăn, điều này từng xảy ra với gạo, cà phê, hồ tiêu...
Nông dân mở rộng diện tích trồng mít, những khuyến cáo về chuyện "cung vượt cầu" là rất cần thiết bởi trồng cây gì cũng khó có thể lường hết những rủi ro thị trường. Nhưng thay vì chỉ có khuyến cáo, cần có những giải pháp từ Nhà nước và doanh nghiệp giúp nông dân chiếm lĩnh thị trường lâu dài hơn.
Điều này bắt đầu từ những nghiên cứu cây giống năng suất, cách trồng để đạt sản lượng và chất lượng, công nghệ chế biến sau thu hoạch, tìm thị trường xuất khẩu... Việc này cần với các loại nông hải sản Việt, không chỉ đối với cây mít.
Và cũng cần sự kiên trì và tầm nhìn xa hơn từ nhà nông thay vì đua nhau trồng, cùng nhau chặt như trước giờ. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản cũng cần nguồn nguyên liệu ổn định cả số lượng và chất lượng để giữ thị trường tiềm năng nước ngoài.
Giúp nhà nông nâng chất lượng sản phẩm
PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết mít, đu đủ, khế là 3 loại trái cây đang "làm mưa làm gió" tại thị trường châu Âu. Nông dân đã mở rộng diện tích, việc còn lại là quy hoạch để tăng cường chế biến, xuất khẩu và giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm. (Theo Tuổi Trẻ ngày 25-3-2019)
Văn Lợi (Đồng Tháp)/ Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào: