» » Cà phê robusta của Việt Nam lên ngôi tại Nhật Bản

Nhờ hương vị mạnh, thơm nồng và giá rẻ, cà phê robusta của Việt Nam đang thiết lập sự hiện diện vững chắc tại thị trường Nhật Bản, đe dọa ngôi vị dẫn đầu của Brazil với tư cách là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Nhật Bản.

Khách uống cà phê và ăn sáng trong một quán ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Sprudge

Tờ Nikkei Asian Review hôm 26-3 cho biết trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam cung cấp 25% tổng khối lượng các sản phẩm cà phê nhập khẩu của Nhật Bản so với mức 27% của Brazil.

Hầu hết cà phê của Việt Nam là loại robusta (hay còn gọi là cà phê vối), tương đối dễ trồng và có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết tốt hơn cà phê arabica của Brazil. Với hàm lượng cafein cao hơn, loại cà phê này đắng hơn một chút so với cà phê arabica.

Theo ông Toyohide Nishino, Giám đốc Hiệp hội Thương mại công bằng cà phê toàn Nhật Bản, sự yêu chuộng của người tiêu dùng dành cho cà phê có hương vị ngon và giá rẻ đã giúp nâng cao thị phần cà phê robusta ở Nhật Bản.

Năm 2017, Nhật Bản nhập khẩu 88.000 tấn cà phê chưa rang từ Việt Nam. Con số này tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước đó. Trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 94.000 tấn cà phê chưa rang sang Nhật Bản, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong cùng thời gian, khối lượng các sản phẩm cà phê Brazil xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017.

Trên thị trường quốc tế, cà phê robusta giao dịch ở mức giá 0,68 đô la/pound (0,45kg), thấp hơn 30% so với giá cà phê arabica đang giao dịch ở mức 1,03 đô la/pound.

Giá cà phê robusta đang trong xu hướng giảm kể từ năm ngoái do sản lượng robusta toàn cầu được dự báo sẽ tăng cao.

Tại Nhật Bản, cà phê robusta chủ yếu được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan và thường được bán theo gói đủ dùng cho một tách cà phê. Các hộ gia đình chỉ một hoặc hai thành viên ở Nhật Bản rất chuộng các gói cà phê hòa tan robusta. Cà phê hòa tan phải có vị mạnh và đủ đắng để cân bằng với vị ngọt của kem và đường. Đó là lý do tại sao cà phê robusta hòa tan được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích hơn so với cà phê arabica hòa tan, theo nhận định của Ajinomoto AGF, đơn vị kinh doanh thực phẩm và nước giải khát của Tập đoàn Ajinomoto.

Cà phê robusta của Việt Nam cũng đang thâm nhập tốt vào thị trường cà phê pha tại nhà ở Nhật Bản vì các nhà cung cấp dùng nó để trộn với cà phê arabica để giảm giá bán. Ngoài ra, cà phê robusta cũng được sử dụng ở nhiều quán cà phê tại nước này cũng như để tạo ra những nhãn hàng riêng, giá tiết kiệm của các nhà bán lẻ.

Sự gần gũi về vị trí địa lý giúp cà phê robusta của Việt Nam có lợi thế ở thị trường Nhật Bản vì quãng đường vận chuyển cà phê từ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ bằng một nửa so với cà phê arabica từ các nước Mỹ Latin. Trong các nước sản xuất cà phê ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước bảo đảm nguồn cung ổn định hơn cả nhờ sản lượng lớn.

Một trong những yếu tố thúc đẩy trỗi dậy của cà phê robusta là triển vọng ảm đạm của sản lượng cà phê toàn cầu trong dài hạn do biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn đến các vụ hạn hán gay gắt xảy ra thường xuyên hơn, cà phê arabica sẽ trở nên khó trồng hơn.

Theo một số dự báo, một nửa “vành đai cà phê”, nơi cà phê chất lượng cao arabica được trồng, có thể không còn khả năng sản xuất vào năm 2050. "Vành đai cà phê" ám chỉ đến dải đất trải dài từ 25 vĩ độ Bắc đến 25 vĩ độ Nam của đường xích đạo.

Người phát ngôn của Công ty rang cà phê Key Coffee (Nhật Bản) nhận định cà phê robusta không thể thay thế cà phê arabica hoàn toàn nhưng nhiều chuyên gia trong ngành cà phê cho biết nhu cầu hòa trộn cà phê robusta và arabica đang tăng nhanh.

Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị phần cà phê toàn cầu bằng cách gia tăng sản lượng hạt trên mỗi cây cà phê. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê Việt Nam trong năm 2018 tăng 4% lên mức kỷ lục 30,4 triệu bao 60kg.

Shiro Ozawa, cố vấn của Công ty Giao dịch cà phê đặc sản Wataru & Co. ở Tokyo, cho biết mặc dù nhu cầu cà phê arabica của Nhật Bản đang vững chắc nhưng Việt Nam vẫn được hưởng lợi ở một thị trường nơi mà các phân khúc cà phê cấp cao và cấp thấp ngày càng phân cực theo hai hướng rõ ràng như Nhật Bản.

Lê Linh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: