Sau chỉ đạo mua lúa gạo dự trữ của Thủ tướng, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có các buổi làm việc để tiêu thụ lúa cho nông dân. Thế nhưng, vẫn thiếu những giải pháp mang tính căn cơ, dài lâu được đưa ra cho ngành hàng này.
Vẫn chưa có giải pháp căn cơ, dài lâu trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
Tại buổi làm việc với các sở ngành và doanh nghiệp về tiêu thụ lúa đông xuân 2018-2919 cho nông dân của UBND tỉnh Tiền Giang diễn ra vào hôm nay, 22-2, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm nay, Tiền Giang chỉ xuất khẩu được 6.853 tấn gạo với trị giá xuất khẩu 3,5 triệu đô la Mỹ, giảm đến 80,56% về lượng và 72,58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phương, xuất khẩu gạo của địa phương sụt giảm mạnh là do hiện các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ký được các đơn hàng mới.
Trước tình hình giá lúa gạo nội địa giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn, mới đây trong buổi họp chiều ngày 19-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch nhà nước đã giao, gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa.
Được biết, vào ngày 26-2 tới, tức thứ ba tuần sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Đồng Tháp và các địa phương trong vùng sẽ tiếp tục có cuộc họp bàn về tiêu thụ lúa đông xuân 2018-2019 cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thừa nhận tình hình thu mua lúa gạo đầu năm nay rất khó khăn do đầu ra xuất khẩu “bế tắc”.
“Ví dụ, năm ngoái ngay đầu vụ thu hoạch đã có hơn 1,1 triệu tấn hợp đồng xuất khẩu. Nhưng, năm nay Philippines vẫn chưa mua, không có lực hút nào”, ông dẫn chứng.
Theo ông Đôn, đối với thị trường Trung Quốc, vào thời điểm cuối năm 2017 chuyển sang 2018, doanh nghiệp của ông ký được hợp đồng xuất khẩu 20.000 tấn, nhưng năm 2018 chuyển sang 2019 không ký được hợp đồng nào cả.
“Từ khi khai trương trở lại sau Tết, công ty vẫn mua gạo vào nhưng rất chậm vì không có đầu ra”, ông thừa nhận.
Ông Đôn cho biết, tồn kho của doanh nghiệp trong năm 2018 chuyển sang 2019 đạt 6.000 tấn và từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã tiếp tục mua thêm 1.000 tấn.
“Như vậy, trong vài ngày tới, công ty chỉ cần mua thêm 500 tấn nữa là đủ với quy định dự trữ lưu thông trong nghị định 107 (Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo) là cần 5% lượng gạo trong kho so với kết quả xuất khẩu của 6 tháng trước đó”, ông cho biết.
Theo ông Đôn, phía Trung Quốc đã ủy quyền cho Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra lại 20 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này. “Cục đã tiến hành kiểm tra xong rồi, nhưng vẫn đang chờ kết quả”, ông thông tin.
Còn theo ông Phương, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thì phải đảm bảo các điều kiện về giấy chứng nhận, chất lượng sản phẩm, có vùng trồng và phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Đối với Tiền Giang, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc là Công ty TNHH Việt Hưng và Công ty lương thực Tiền Giang”, ông cho biết và nói rằng từ tháng 10-2019 hàng loạt tiêu chuẩn nêu trên sẽ được áp dụng.
Từ vấn đề trên, ông Phương đề nghị, doanh nghiệp cần thay đổi, không nên làm theo cách như trước đây vì Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính.
Trong khi đó, để giải quyết bài toán tiêu thụ lúa, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần tuyên truyền, vận động người dân nếu có điều kiện thì nên tạm trữ lúa gạo chờ giá, không nên bán ra lúc này.
Còn đối với doanh nghiệp, ông yêu cầu vẫn thực hiện mua vào để trữ lại vì đây là mùa vụ có chất lượng gạo tốt nhất trong năm. “Dự dữ cũng là điều tốt vì giá hiện nay đang tốt cho doanh nghiệp mua vào”, ông cho biết và nói rằng đây là giải pháp trước mắt trong khi chờ chính sách chung của Chính phủ cụ thể.
An Giang họp bàn tiêu thụ lúa gạo
Cũng trong ngày hôm nay, 22-2, UBND tỉnh An Giang đã cùng với các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo của địa phương tổ chức cuộc họp bàn phương án thu mua, tiêu thụ lúa cho nông dân của địa phương này.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, giá lúa IR 50404 ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhích nhẹ lên khoảng 50-100 đồng/kg so với cách đây ít hôm, lên mức giá 4.300-4.350 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 hiện có giá 4.650-4.700 đồng/kg, tăng nhẹ 50-100 đồng/kg.
Trung Chánh (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: