Trước sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, giá lúa ở ĐBSCL đã bắt đầu nhích lên. Thế nhưng, giá tăng ở đâu chứ không tăng ở ruộng. Nhiều người dân cho rằng lẽ ra có sự can thiệp sớm thì họ... bớt khổ.
Hoạt động thu mua lúa gạo ở ĐBSCL
Mọi thứ đều tăng, trừ giá bán!
Đông xuân 2018-2019 là vụ lúa mà mọi thứ đều tăng, ngoại trừ… năng suất và giá bán!. Nông dân Võ Văn Cọp (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, bình quân mỗi công lúa cho năng suất 1 tấn. Những năm nay do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, năng suất lúa giảm rất mạnh, mỗi công mất từ 200-300kg, có nơi, một công chỉ thu hoạch được 600kg/công”.
Ông Cọp nói và cho hay, trong khi năng suất giảm thì giá phân bón, thuốc… lại tăng 30% so với năm trước. Người dân chưa hết khổ sở thì giá lúa lại liên tục giảm sâu. Từ mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng, thương lái bỏ cọc với giá 4.500 đồng /kg lúa IR50404. Qua mùng 10 thì giảm 100 đồng/kg, rồi từ rằm tháng giêng tới nay chỉ còn 4.300 đồng/kg.
Ông Võ Tấn Phong (phường Trường Lạc, quận Ô Môn) buồn bã kể: “Gia đình tui trồng 8 công lúa, và may mắn hơn những hộ khác vì bán được giá… 4.400 đồng/kg. Mức giá này chưa lỗ là mừng, chứ mong gì lời lãi. Ba tháng công sức quần quật ngoài ruộng coi như tiêu tan. “Thương lái đến mua họ nói, kho chứa đầy hết rồi, giờ giá giảm, chỉ mua trữ lại, nói bao nhiêu thì nông dân chịu bấy nhiêu”, ông Phong nói.
Thua hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL
Ghi nhận tại phường Thới Long và Long Hưng (quận Ô Môn), trước Tết Nguyên đán, thương lái đến đặt cọc 4.650 đồng/kg lúa IR50404. Qua đến mùng 10, nông dân cắt lúa chờ cả tuần lễ không thấy thương lái đâu, gọi điện không liên lạc được. Một số nơi, thương lái đặt cọc với giá tương tự, sau tết, họ đến gặp nông dân “bẻ kèo”, yêu cầu mua với giá thấp hơn. Lúa một phần chín rục ngoài đồng, một phần cắt xong, không có chỗ trữ, nông dân buộc lòng bán với giá rẻ.
Đứt ruột vì tăng giá
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thu mua gạo vụ đông xuân 2018 – 2019, giá lúa ở ĐBSCL đã bắt đầu nhích lên. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra rất chậm, nhỏ giọt, và giá chỉ tăng ở một vài giống lúa, như IR50404 tăng 100 đồng/kg. Thậm chí, một số nơi, giá lúa vẫn “giậm chân tại chỗ". Nông dân nói vui rằng, giá tăng ở đâu chứ không tăng ở ruộng.
Giá lúa tăng không làm các nông hộ vui lên. “Phần lớn lúa, nông dân ở đây đã bán hết. Số còn lại chưa thu hoạch, thì đã nhận cọc của thương lái. Nhận giá nào thì phải bán giá đó, cho dù giá có tăng cũng phải chịu”, ông Võ Tấn Phong chua chát nói.
Toàn phường Trường Lạc, quận Ô Môn vụ đông xuân này xuống giống 1.281 ha, đến nay chỉ còn khoảng 300 ha chưa thu hoạch. Số diện tích này phần lớn nông dân đã nhận cọc của thương lái với giá dao động từ 4.400 đồng/kg.
Nông dân Bảy Thắng (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) trồng 12 công lúa IR50404. Nghe tin giá lúa tăng, ông Bảy không mừng mà còn tiếc đứt ruột, bởi trước đó, cận ngày thu hoạch, lúa sắp chín rục ngoài đồng, ông buộc lòng phải bán với giá chỉ 4.300 đồng/kg. Những hàng xóm của ông Bảy tính trữ lúa lại chờ giá lên, nhưng không có sân phơi, chỗ chứa, sau cùng đành bán tháo bán đổ. “Giá lúa tăng chỉ làm nông dân bức xúc. Giá như ngành chức năng can thiệp điều chỉnh giá ngay từ đầu vụ thì nông dân bớt khổ”.
Anh Phùng Văn Hà (ấp Mỹ Hòa, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Gia đình anh trồng 20 công lúa. Đến nay đã thu hoạch và bán 10 công lúa IR50404 với giá 4.500 đồng/kg. “Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch, thương lái nói giá bao nhiêu thì nông dân chịu bấy nhiêu, không mặc cả được. Tui còn 10 công lúa Nhật (còn gọi là lúa tròn, lúa tiêu, lúa gà…) vài bữa nữa sẽ cắt, và đã nhận cọc thương lái với giá 5.000 đồng/kg. Điều trớ trêu là nếu giá lúa có tăng lên 6.000 đồng/kg thì tui vẫn phải bán với giá cọc. Còn nếu giá không tăng, mà giảm xuống 4.000 đồng chẳng hạn, thì tui cũng phải bán với giá đó luôn. Đường nào nông dân cũng thiệt”.
Trần Lưu (Báo NLĐ)
Không có nhận xét nào: