Mục tiêu của thủy sản Việt Nam không chỉ là đạt được mốc xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2019 mà còn là sự phát triển bền vững trong dài hạn. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tận dụng những cơ hội từ thị trường và quá trình hội nhập, ngành thủy sản cần có chiến lược nâng cao nội lực và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Cá ngừ đại dương được sơ chế tại Nhà máy chế biến thủy sản Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho rằng, để xuất khẩu thủy sản hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD ngay trong năm 2019 thay vì đợi đến năm 2020 như kế hoạch trước đó, xuất khẩu thủy sản phải tăng trưởng hơn 11% so với năm 2018. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải sớm xây dựng quy hoạch nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Ngành sẽ tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay. Qua đó, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia…
Kế hoạch và giải pháp ứng phó, xử lý các vấn đề về lây nhiễm hóa chất, kháng sinh, tạp chất trên thủy sản Việt Nam được chú trọng trên cả ba phương diện: ngăn ngừa, xử lý vi phạm và xử lý khủng hoảng truyền thông một cách kịp thời, hiệu quả. Các loại hình chứng nhận quốc tế được củng cố để tạo niềm tin tuyệt đối của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh chiến lược chung cho toàn ngành, mỗi ngành cần có chiến lược phát triển cụ thể để hoàn thành mục tiêu chung.
Với ngành tôm, để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá và các vấn đề phát sinh từ chương trình kiểm soát nhập khẩu thủy sản của Mỹ, sức ép cạnh tranh về giá, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường chế biến và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng.
Ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp rà soát lại nhu cầu của từng khu vực và tập trung cho các sản phẩm đạt chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) để khẳng định uy tín cho tôm Việt Nam. Từ đó, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Để duy trì giá trị xuất khẩu cá tra ở mức 2,3 tỷ USD trong năm 2019, bên cạnh việc giữ vững thị trường Mỹ, Trung Quốc… doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ thị trường châu Âu đang hồi phục để đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, kiên trì giữ mức giá bán cao đã đạt được ở các thị trường nhằm củng cố kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh sản lượng nguyên liệu được dự báo sẽ không tăng nhiều.
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận Phước. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mấu chốt để ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững là phải có giải pháp để cải tạo chất lượng con giống. Từ đó, cắt giảm chi phí nguyên liệu và nâng cao năng suất chế biến giúp cải thiện khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cá tra trên thị trường quốc tế.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP, việc triển khai các chương trình kích cầu là hết sức cần thiết để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra. Do đó, bên cạnh sản phẩm phi lê thông thường, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm tiện dụng nhằm kích thích sức mua và gia tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi sản xuất cá tra.
Ngoài ra, ngành cá tra cần xây dựng chiến lược truyền thông một cách căn cơ, chuẩn bị đủ những dữ liệu, dẫn chứng thông tin đủ sức thuyết phục để ứng phó với các thông tin bất lợi về sản phẩm. Hiệu quả truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi nhu cầu của thị trường châu Âu, một thị trường có ý thức sử dụng hàng hóa rất cao, chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo sự phát triển bền vững. Do đó, cần chủ động xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá tra thông qua quy trình sản xuất, chế biến và tư duy phục vụ khách hàng của cả người nuôi lẫn doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay của ngành thủy sản cần có sự đồng hành của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và nông dân – ngư dân.
Riêng với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019 đòi hỏi sự vận hành đồng bộ của cả chuỗi giá trị thủy sản, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường; trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào. Khâu chế biến cũng phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thị trường rất quan trọng trong việc chiếm lĩnh thị phần giữa bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Ngoài duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp và hiệp hội cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhiều tiềm năng.
"Với quy mô gần 100 triệu dân và hơn 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm, thị trường nội địa chính là nơi giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ theo các trục ngành hàng, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người nông dân, ngư dân trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu. Có như vậy, ngành thủy sản Việt Nam mới duy trì được vị thế trên thị trường thủy sản toàn cầu, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự tăng trưởng kinh tế và mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Xuân Anh (TTXVN)
Không có nhận xét nào: