Nông dân các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân. Do giá lúa ở mức thấp và bị thương lái ép giá nên nông dân lo lắng.
Hiện nay, cánh đồng lúa ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã chín vàng, nhiều ruộng lúa bị đổ sập nhưng nông dân vẫn chưa vội thu hoạch, chờ giá lên. Nhiều thương lái trước đây đặt “hứa miệng” với nông dân sẽ mua lúa tươi (lúa thường) giá 4.500 đồng/kg, nay lại “hạ” xuống còn khoảng 4.200 đồng/kg. Dù bị ép giá nhưng lúa đã chín rộ, nông dân đành phải bán mà không khỏi ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân ở ấp Bắc B, xã Điềm Hy, bức xúc: “Đầu ra thì lái nhận còn hơn 80.000 đồng/giạ(tức 4.200 đồng/kg). Nếu không bán thì lấy chỗ đâu mà phơi lúa, để ăn thì ăn không hết. Hợp đồng lúc đầu là 90.000 đồng/giạ, nếu giá nhích lên mua giá 90.000 đồng/giạ, còn sau đó sụt xuống thì lái bớt lại”.
Hiện nay, nhiều cánh đồng ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lúa đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái vẫn chưa cho máy vào cắt theo hợp đồng với nông dân.
Nhiều ruộng lúa chín đổ ngã tại xã Điềm Hy, huyện Châu Thành vẫn chưa được thu hoạch.
Theo ghi nhận của VOV, giá lúa tại tỉnh Tiền Giang hiện tại: Lúa IR 50404 tại ruộng có giá 4.250 đồng/kg, lúa Jasmine 85 có giá 4.800 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá 4.500 - 4.600 đồng/kg, thấp gần 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này thì nhà nông có lãi không đáng kể; thậm chí những ruộng lúa sâu bệnh nhiều, năng suất thấp bị thua lỗ.
Đối với các trường hợp nông dân và thương lái có hợp đồng văn bản, có nhận “tiền cọc” trước, thì việc mua bán lúa đúng theo hợp đồng. Còn đối với các “hợp đồng miệng” thì thương lái sẽ mua giá thấp hơn.
Ông Trần Minh Đức, một thương lái chuyên thu mua lúa tại xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành cho biết, do đầu ra khó khăn nên những ngày này mua rất hạn chế: “Mấy ngày nay, giá lúa cũng bình thường, không tăng. Tôi mua chỉ vài trăm tấn thôi chứ không mua nhiều. Nếu tôi muốn mua thì đi vào đồng, cò dắt đi rồi bỏ tiền cọc. Mình định ngày, một tuần hay 10 ngày sau bắt đầu cắt lúa. Cọc thì mình bỏ 300.000 đồng/công, mua một lần cả trăm công nên bỏ tiền cọc đến 60-70 triệu đồng. Mình mua theo giá thị trường, có giấy tờ rõ ràng, không mua thì bỏ tiền cọc, chuyện đó hợp lệ, bình thường”.
Ông Trần Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cho biết, tại địa phương còn có tình trạng, các thương lái “bắt tay nhau” giảm giá lúa, phân chia vùng “độc quyền” mua lúa của nhà nông. Riêng chủ trươngmua tạm trữ gạo của Chính phủ, nông dân rất phấn khởi nhưng đề nghị công tác này phải triển khai khẩn trương vì mùa thu hoạch lúa gần kết thúc.
“Hôm qua giá lúa có tăng lên 2.000 đồng/giạ. Khi giá lúa tăng lên thì nông dân bán hết lúa rồi. Chúng tôi có tiếp xúc với một số thương lái quen thì biết thương lái với nhau có kết hợp không mua cao, mà mua giá thấp để được lời. Khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ mua lúa gạo dự trữ cho nông dân thì thường nông dân không được hưởng lợi. Bởi vì chủ trương đưa ra rồi tới đây, lúc đó một là bán hết lúa rồi, thứ hai là thu hoạch lúa hết rồi. Đa số thương lái và doanh nghiệp được hưởng lợi chứ nông dân không có lợi”, ông Trần Văn Vân chia sẻ.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ đông xuân 2018 - 2019, các huyện phía Tây của tỉnh xuống giống gần 37.000 ha lúa. Qua thu hoạch đầu vụ, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, ước cả vụ sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn. Dự kiến 2 tuần nữa các diện tích lúa sẽ thu hoạch xong.
Nhiều nhà máy xay xát ở tỉnh Tiền Giang chứa đầy lúa gạo do đầu ra khó khăn.
Ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, đến nay, địa phương vẫn chưa có doanh nghiệp nào thu mua lúa gạo tạm trữ, do vậy, đầu ra của hạt lúa vẫn hết sức khó khăn: “Vấn đề dự trữ lúa thì nông dân không có khả năng dự trữ, đây là vấn đề rất khó. Trước tình hình khó khăn này, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tập trung, rà soát kiểm tra lại diện tích lúa chưa thu hoạch là bao nhiêu, có vấn đề gì khó khăn thì kịp thời báo cáo Sở nông nghiệp- UBND tỉnh để có giải pháp xử lý. Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ thì tỉnh nên có giải pháp chỉ đạo sớm để thu mua nhằm giúp nông dân giảm thiệt hại”.
Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Tiền Giang đều còn tồn đọng nhiều lúa gạo và chưa có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung hay thương mại.
Tại công ty TNHH Việt Hưng – doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, hiện còn trong kho hơn 7.000 tấn gạo. Công ty cũng đang chờ tin từ các ngân hàng, phía Hiệp hội Lương thực để tiến hành các thủ tục vay vốn, thu mua lúa, gạo cho dân.
Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, 6 tháng đầu năm nay, đơn vị được Tổng Công ty Lương thực miền Nam giao thu mua 160.000 tấn gạo. Công việc này tiến hành bình thường. Riêng việc mua gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì chưa được giao nên chưa triển khai. UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức họp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo và triển khai kế hoạch thu mua gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ. Dự kiến, công tác này sẽ triển khai thực hiện trong tuần tới.
Cùng với các biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh những bất cập trong việc thực hiện hợp đồng thu mua lúa gạo giữa thương lái và nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh lúa gạo cạnh tranh bình đẳng, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần phối hợp với ngành ngân hàng và doanh nghiệp để triển khai thực hiện sớm chủ trương mua gạo tạm trữ nhằm kéo giảm tình trạng lúa gạo rớt giá, ổn định đời sống người trồng lúa và giúp nông dân tái sản xuất vụ mùa tiếp theo./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Không có nhận xét nào: