Ngày 22/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo Tổng cục Dự trữ khẩn trương triển khai và hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã bán hồ sơ gói thầu mua lúa, gạo dự trữ năm nay.
Lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 tại An Giang tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ với sản lượng cả vụ ước đạt 1,735 triệu tấn lúa. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN
Dự kiến vào đầu tháng 3 tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ công bố giá mua và tổ chức đấu thầu thu mua lúa gạo. Việc triển khai mua lúa gạo sẽ được thực hiện ngay để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lương thực cho nông dân.
Theo ông Lê Văn Thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tổ chức đoàn công tác đi khảo sát giá mua gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng phương án giá mua gạo, báo cáo Bộ Tài chính quyết định giá mua để tiến hành mua gạo trong thời gian sớm nhất.
“Việc thu mua này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc cơ chế thị trường. Trên cơ sở khảo sát giá thị trường, tính toán các chi phí sản xuất, Bộ Tài chính sẽ đưa ra mức giá mua tối đa. Từ mức giá tối đa này, Tổng cục Dự trữ nhà nước sẽ quyết định giá mua cụ thể để tổ chức đấu thầu”, ông Lê Văn Thời cho hay.
Đối với việc mua 80.000 tấn lúa, các đơn vị sẽ thực hiện mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng, theo đúng quy định của Luật Dự trữ quốc gia và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhập xuất, mua bán hàng dự trữ quốc gia.
Ông Lê Văn Thời cho biết thêm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực rà soát, có kế hoạch chuẩn bị các kho, công cụ, dụng cụ, vật tư bảo quản… để bảo đảm hàng nhập kho được bảo quản kịp thời theo đúng quy định; đồng thời chủ trì phối hợp với nhà thầu trúng thầu và các vụ chức năng của Tổng cục tăng cường kiểm tra chất lượng lương thực trước và trong quá trình nhập kho.
Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã yêu cầu, các đơn vị chủ động theo dõi, nắm tình hình thị trường lương thực để có đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh giá mua kịp thời; bảo đảm nguyên tắc lương thực nhập kho đủ số lượng, đúng chất lượng, giá mua sát với giá thị trường.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện Bộ đã lập đoàn công tác khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn công tác sẽ thực hiện khảo sát tại một số tỉnh của vùng như Long An, Đồng Tháp… để nắm bắt tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Ngày 26/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo tại Đồng Tháp với sự tham dự các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Philippines và 100.000 tấn sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Toản cũng đề nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc quy định mua dự trữ lưu thông theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Vụ Đông Xuân 2018-2019 của Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trên 1,597 triệu ha. Năng suất ước đạt 69 tạ/ha, tăng 1 tạ so với vụ Đông Xuân 2017-2018. Sản lượng vụ Đông Xuân này toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn lúa; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 7,339 triệu tấn, tương đương 3,669 triệu tấn gạo.
Trái ngược với kết quả tăng trưởng của năm 2018, xuất khẩu gạo từ đầu năm 2019 đến nay giảm mạnh. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, trong khi các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Điều này khiến giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm.
Thùy Dương - Bích Hồng (TTXVN)
Không có nhận xét nào: