» » » Nguy cơ bệnh khảm lá sắn lây lan diện rộng ở Đồng Nai

Hiện nay, bệnh khảm lá sắn tại Đồng Nai đang có dấu hiệu giảm dần, tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát và lây lan diện rộng rất lớn. Do vụ sắn năm 2018 – 2019 đã thu hoạch xong, người dân đang tiến hành xuống giống cho vụ mới.

Nhổ bỏ khi phát hiện bệnh khảm trên cây sắn.

Tuy nhiên, ở một số nơi có xu hướng lấy hom giống ngay trong vùng dịch bệnh để sản xuất vụ sau khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan diện rộng. Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang tiến hành nhiều giải pháp để tập trung đối phó, không để tái phát tình trạng trên.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trên 100 ha sắn bị bệnh khảm lá, tập trung ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Long Thành. Điều đáng lo ngại hiện nay là số diện tích sắn bị bệnh khảm đã được thu hoạch, nếu người dân tiếp tục lấy hom giống từ các cây sắn đã ủ bệnh, hậu quả sẽ rất lớn do mầm bệnh sẽ có cơ hội phát tán và gây hại nặng cho lứa sắn vụ sau.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cộng tác viên Bảo vệ Thực vật xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, đây là địa phương có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lớn nhất của cả tỉnh. Thông thường bà con ở đây thường lấy hom giống tại chỗ để tái sản xuất cho vụ sau, tức là lấy hom từ cây sắn đã thu hoạch từ vụ trước để nhân giống. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên huyện Vĩnh Cửu bùng phát bệnh khảm lá sắn, do bà con chưa nhận thức được vấn đề, nếu tiếp tục lấy hom giống từ những cây sắn đã bị bệnh sẽ khiến bệnh lây lan nhiều hơn, phát bệnh sớm hơn dẫn đến năng suất của vụ sau giảm rất nhiều và có khả năng mất trắng do dịch bệnh.

Ông Đặng Hồng Minh, người trồng sắn huyện Nhơn Trạch cho biết, ngay khi phát hiện bệnh trên cây sắn là ông nhổ bỏ ngay. Mặc dù rất tiếc vì trông cây sắp đến ngày thu hoạch nhưng nếu không nhổ bỏ, bệnh sẽ lây lan sang cả vườn sẽ thiệt hại còn nặng hơn. Trước tình trạng đó, bà con được cán bộ bảo vệ thực vật tiến hành phun xịt một tuần hai lần các thuốc trị bọ phấn trắng, tiêu diệt loại sâu hại này nên bệnh cũng đã có chiều hướng thuyên giảm.

Theo ông Dương Quang Vinh, Trạm trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu, bệnh khảm lá sắn là bệnh do côn trùng bọ phấn trắng gây nên. Bệnh thường có biểu hiện lá bị vàng và hơi xoăn, đây là loại bệnh có khả năng lây lan nhanh, đến nay chưa có thuốc chữa. Theo điều tra tại những hộ trồng sắn đã thu hoạch, đối với những diện tích mắc bệnh năng suất và độ bột của củ sắn sẽ bị giảm từ 20 – 40% so với thông thường. Do đó, khi phát hiện bệnh, người dân phải tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy ngay diện tích sắn đã mắc bệnh để tránh lây lan sang khu vực khác.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, để ngăn chặn tình trạng bùng phát dịch bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển hom giống từ các vùng có dịch đến nơi chưa có dịch. Đồng thời, hướng dẫn bà con không nên đồng loạt sử dụng giống sắn HLS 11 để trồng, vì đây là giống sắn rất dễ nhiễm bệnh khảm lá. Một trong những giải pháp để tránh rủi ro và thiệt hại lớn khi có bệnh virus, đó là cần sản xuất nhiều giống khác nhau trong một vùng sản xuất.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành xây dựng các vùng sản xuất hom giống sạch để cung cấp hom giống cho người dân trong vụ năm sau và khuyến cáo người dân tiến hành phun xịt, tiêu diệt bọ phấn – tác nhân lan truyền bệnh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân phải theo dõi sát vườn để kịp thời phát hiện ra bọ phấn, khi có những dấu hiệu bất thường trên cây sắn phải đến ngay trạm bảo vệ thực vật địa phương để được hướng dẫn thuốc và cách phun xịt. Bà con lưu ý không nên phun xịt quá nhiều, quá lạm dụng, sẽ không mang lại kết quả, ngược lại còn gây ra hiện tượng kháng thuốc đối với bọ phấn.

Tin, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: