Những ngày này, thay vì tập trung ra đồng thu hoạch cà rốt, nhiều hộ dân ở xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) - vựa cà rốt ở các tỉnh miền Bắc, đang đứng ngồi không yên vì giá bán xuống thấp, doanh nghiệp và thương lái hạn chế thu mua...
Vừa mất mùa, vừa rớt giá
Xã Đức Chính là một trong những nơi trồng nhiều cà rốt nhất cả nước. Từ nhiều năm nay, người dân Đức Chính đã canh tác 1 vụ cà rốt – 1 vụ dưa hấu. Nhờ canh tác cà rốt, dưa hấu mà người dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc cấy lúa. Thế nhưng, vụ năm nay, giá cà rốt giảm và tiêu thụ chậm khiến người nông dân loay hoay tìm đầu ra.
So với nhiều nhà khác, cà rốt nhà bà Dân vẫn được xếp vào loại tốt. Ảnh: Đ.C
Ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Chính cho biết: “Vụ này toàn xã có 360ha cà rốt, năng suất ước đạt từ 43 – 45 tấn/ha, giảm từ 2 – 3 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ có thế, giá cà rốt phục vụ xuất khẩu cũng đã giảm còn 6.000 đồng/kg thay vì 9.000 đồng như vụ trước”.
Lý giải về việc giá cà rốt giảm, ông Thuật cho hay: “Hiện tại, phía Trung Quốc chỉ nhập khẩu cà rốt cầm chừng. Còn bên Nhật Bản cũng cho biết giá cà rốt của họ đang là 6.400 đồng/kg, chỉ cao hơn bên mình vài trăm đồng, nếu nhập sang đó thì cũng không có lãi. Có lẽ vì bên đó cũng được mùa nên họ giảm thu mua của mình”.
Bà Phạm Thị Dân (thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính) chia sẻ: “Khi chúng tôi vừa gieo xong hạt của vụ này thì gặp trời mưa, đất nó lì xuống, củ cà rốt vì thế mà không đâm sâu được. Không những thế, mùa đông năm nay vừa ấm vừa ẩm khiến cà rốt tốt lá, chẳng còn chất mà nuôi củ. Thành ra lượng cà rốt loại nhiều quá. Cứ tưởng không được mùa thì được giá kéo lại, nào ngờ đâu giá cũng mất theo”.
Quanh năm vất vả, người dân trồng cà rốt vẫn luôn đau đáu nỗi lo mất giá, không tiêu thụ được.
Cũng theo bà Dân, mọi năm nhà bà thu về khoảng 2 tấn cà rốt các loại/sào. Tuy nhiên, vụ này cà rốt nhà bà chỉ đạt khoảng 1,3 – 1,4 tấn/sào, mà phần đạt tiêu chuẩn nhập chỉ chiếm chưa đầy 1/3.
Nếu như câu chuyện được mùa – mất giá đã trở nên quen thuộc thì việc mất mùa – mất cả giá hiếm khi xảy ra. Chính vì thế, người dân Đức Chính vẫn tiếp tục loay hoay tìm lối thoát cho những củ cà rốt của mình.
Bánh chưng nhân... cà rốt
Thửa ruộng cà rốt nhà bà Dân có đến hơn chục người cùng thu hoạch. Những người này cùng thôn với bà Dân, tranh thủ cà rốt chưa bán được thì đi làm đổi công cho nhau. Họ vừa làm, vừa nói chuyện rộn vang cả cánh đồng. Trong câu chuyện tếu táo của những người nông dân ấy, thi thoảng lại thấy xen lẫn một tiếng thở dài...
Bà Hay nói với phóng viên: “Như năm ngoái giá cao, cà rốt của chúng tôi để tại ruộng, thương lái họ tự tìm đến mua cả ruộng, rồi thuê nhân công thu hoạch. Còn bây giờ thì mời chán mời chê mà người ta còn chưa chịu gật đầu. Muốn họ mua, mình phải thu rồi chuyển lên xe cho họ... Khổ lắm”.
Thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân cà rốt năm nay giảm năng suất, nhiều củ không đạt chuẩn. Ảnh: Đ.C
Theo những nữ nông dân này, vụ trước, giá mỗi sào cà rốt bán tại ruộng dao động từ 7 - 8 triệu đồng, nhưng hiện tại thì chỉ còn 3 triệu.
“Nếu tính tổng chi phí đầu tư thì bán giá đó chúng tôi chưa có lãi. Giờ mà còn thuê người thu hoạch nữa thì phải bù lỗ nên chúng tôi mới phải đi làm đổi công cho nhau như thế này. Thu hồi được vốn là đã mừng rồi chú ạ. Tết này đành phải tiêu ít đi” - bà Nhờ chia sẻ.
Ông Lê vừa vận chuyển cà rốt từ ruộng lên xe tải, vừa lắc đầu chua chát: “Người nông dân khổ thế đấy. Ai đời lại có chuyện vừa mất mùa, vừa mất giá như thế này. Năm ngoái chúng tôi dính vụ dưa hấu rẻ như cho, chưa kịp hoàn hồn thì lại đến lượt cà rốt. Từ giờ đến tết mà giá không tăng thì tôi để cả ở ruộng, khỏi mất công nhổ”.
Bà Dân tâm sự: “Gần tết rồi, chúng tôi chỉ mong sao giá cà rốt mau chóng tăng trở lại để doanh nghiệp rồi thương lái thu mua. Bán được cà rốt thì mới mong có cái tết ấm. Chứ cứ thế này thì nhổ cà rốt lên mà lòng buồn rười rượi”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thuật cho rằng, hiện tại thị trường cà rốt đang không thông suốt, những ngày sắp tới người dân đồng loạt thu hoạch thì khả năng ùn ứ hàng sẽ xảy ra. Ông cũng đang tích cực liên hệ với các doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho cà rốt, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường cà rốt vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Người dân Đức Chính rất có thể sẽ đón một năm mới trong lo lắng.
Cà rốt nhổ lên vẫn đỏ, và người nông dân cũng lo đỏ con mắt. Tết này, cà rốt sẽ là thứ ám ảnh người dân nơi đây. Bánh chưng của họ có thể chẳng có nhân thịt mà sẽ là “nhân cà rốt” như câu bông đùa của người nông dân để tự an ủi mình khi cái tết đang cận kề.
Phạm Đức Cường (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: