Từ là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng vài năm gần đây người trồng quýt tại Bắc Kạn lại lo lắng vì gặp nhiều khó khăn ở đầu ra, giá rẻ...
Quýt là một trong những loại cây trồng khá phổ biến tại nhiều xã ở tỉnh Bắc Kạn. Từng được coi là cây xóa đói, giảm nghèo, nhưng vài năm gần đây việc tiêu thụ loại nông sản này gặp nhiều khó khăn khiến người nông dân lo lắng.
Huyện Bạch Thông là nơi có diện tích quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn với khoảng 1.400 ha, trong đó có 900 ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 10.000 tấn quả, thời điểm giá cao có thể mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Để thương hiệu quýt Bắc Kạn phát triển, tỉnh Bắc Kạn cần quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cây trồng
Tuy nhiên, năm nay thị trường tiêu thụ kém hơn so với trước, giá cả và đầu ra không ổn định nên thu nhập của người trồng quýt rất bấp bênh. Hầu như không có thương lái đến tận vườn thu mua, bà con phải tự đem bán tại các phiên chợ hoặc bày bán ở dọc quốc lộ. Giá bán tại vườn trung bình giao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái.
Bà Tống Thị Tín, thôn Phiêng An 1, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, cho biết: "Trồng thì vất vả mà bán quả thì rẻ, không đủ tiền phân bón. Giá so với năm 2017, năm nay chỉ được 1/3. Tôi chỉ mong sao bây giờ trồng ra quýt sạch thì bán được giá hợp lý với người trồng là mừng".
Trồng quýt theo mô hình VietGAP, vụ mùa năm nay gia đình bà Hứa Thị Duyên, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông thu hoạch gần chục tấn quýt. Bà cho biết, thông thường quýt thu hoạch vào thời điểm gần Tết thì quả ngọt hơn, nhưng nếu thời tiết xấu, mưa nhiều thì nhà vườn có thể mất trắng do quýt thối và rụng hết, nhưng nếu hái sớm để tránh mưa thì quýt lại chua, khó bán và giá cũng thấp.
"Nhà tôi trồng cũng được nhiều, nhưng quýt bán ra giá rẻ, chỉ được 6.000 đồng/kg" - bà Hứa Thị Duyên chia sẻ.
Đây là tình trạng chung của nhiều diện tích quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Quýt trồng tràn lan trong khi giá cả còn phải phụ thuộc vào đầu mối tiêu thụ, người trồng quýt chủ yếu vẫn là những hộ nông dân có thu nhập trung bình, bán lẻ ở các chợ huyện, chợ xã, chưa vươn tới thị trường lớn hoặc đưa vào được hệ thống siêu thị nên chưa thể nâng giá thành lên cao được. Mặt khác, công tác quảng bá thương hiệu còn nhiều hạn chế, quýt Bắc Kạn có thương hiệu nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến nên việc tìm thị trường tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn./.
CTV Thu Hằng/VOV-Đông Bắc
Không có nhận xét nào: