Việt Nam và các quốc gia đứng bên lề cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, gồm hai nhóm quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu mặt hàng đậu nành, đã bắt đầu được hưởng lợi.
Trung Quốc chọn mặt hàng đậu nành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong “rổ hàng hóa” của Mỹ vào thị trường của mình. Ảnh: T.L
Về mặt lý thuyết, hẳn việc Trung Quốc chọn mặt hàng đậu nành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong “rổ hàng hóa” của Mỹ vào thị trường của mình, đồng thời cũng chiếm tới hơn một nửa “rổ đậu nành” xuất khẩu ra thị trường thế giới của Mỹ để đánh thuế trả đũa trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nước là một đòn hiểm. Thế nhưng...
Khi “hai hổ đấu nhau”
Cả Trung Quốc và Mỹ đều giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường đậu nành thế giới.
Trước hết, với việc tăng tốc nhập khẩu phi mã của mình, Trung Quốc chính là động lực chủ yếu khiến thị trường đậu nành thế giới phát triển bùng nổ trong trong gần hai thập kỷ qua.
Các số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, từ năm 2001 đến nay, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao gấp hơn 10 lần so với mức tăng 1,2%/năm của phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó, cho dù mất ngôi vị cường quốc xuất khẩu đậu nành số 1 thế giới vào tay Brazil từ năm 2013, nhưng tính bình quân trong một thập kỷ trở lại đây, với 43,6 triệu tấn đậu nành xuất khẩu mỗi năm, Mỹ vẫn đứng đầu, chiếm 44,3% thị phần thế giới; Brazil đứng thứ hai, với 41 triệu tấn/năm, chiếm 41,6% thị phần.
Tuy đang ở hai đầu chiến tuyến đối lập nhau, Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đặc biệt chặt chẽ trong xuất, nhập khẩu mặt hàng này.
Xét trên bình diện tổng thể, tuy Trung Quốc đánh thuế cao vào mặt hàng đậu nành của Mỹ, điều đó cũng không có nghĩa là Trung Quốc không còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn đậu nành Mỹ. Các số liệu thống kê của ITC năm 2017 cho thấy, để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lên đến 95,5 triệu tấn mà không phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc hầu như phải “vét” 100% khối lượng đậu nành xuất khẩu 68,2 triệu tấn của Brazil cũng như 28 triệu tấn của 120 quốc gia khác. Đó đương nhiên là điều không thể, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngắn.
“Sứt đầu mẻ trán” để bên thứ ba hưởng lợi
Thực tế đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy, cả hai “người khổng lồ” này phải đối mặt với hai loại khó khăn trái ngược nhau, còn các quốc gia đứng bên lề cuộc chiến có liên quan được hưởng lợi.
Thực tế, các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, tổng khối lượng đậu nành nhập khẩu trong 10 tháng qua vẫn đạt 76,9 triệu tấn, hầu như không giảm về lượng so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch tăng, do giá bình quân đã tăng từ 415 đô la Mỹ/tấn lên 431 đô la Mỹ/tấn (tăng 4,1%).
Điều này cho phép suy đoán rằng, việc Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ dường như không khác gì “tự bắn vào chân mình”.
Bởi lẽ, với tỷ lệ thuế cao ngất ngưởng như vậy thì hầu như đậu nành Mỹ đã không còn vào được thị trường Trung Quốc kể từ tháng 7 đến nay, còn các quốc gia khác thì nhân cơ hội này tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng đẩy giá tăng lên. Trong niên vụ đậu nành vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 9), Brazil đã xuất khẩu được tới 64,8 triệu tấn, tăng rất mạnh 14,2% so với cùng kỳ, còn giá bình quân thì đạt 399 đô la Mỹ/tấn, tăng 6,5%. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 24,2 triệu tấn, tăng 1,53 lần so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tới 85,2% tổng khối lượng xuất khẩu ra thị trường thế giới thay vì 80,1% so với cùng kỳ.
Đây chắc chắn là lý do chủ yếu khiến giá bán lẻ đậu nành của Trung Quốc trong hơn một năm nay đạt kỷ lục hơn 4.000 nhân dân tệ/tấn và cũng là lý do chủ yếu khiến giá thịt heo của Trung Quốc liên tục tăng.
Xét trên bình diện rộng hơn, cũng theo số liệu thống kê của Trung Quốc, trong khi tổng khối lượng lương thực, thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm giảm 3,3% thì kim ngạch lại tăng rất mạnh 10,7%, còn chỉ số lạm phát cũng đang tăng mạnh.
Trong khi đó, các kết quả tính toán từ số liệu thống kê của Việt Nam về đậu nành cho thấy, cũng trong bốn tháng kể từ tháng 7 đến nay, thay vì chỉ nhập từ Mỹ 146.000 tấn như cùng kỳ, Việt Nam đã tăng nhập khẩu từ Mỹ lên 486.000 tấn, tức tăng tới 3,33 lần, còn giá bình quân thì từ 414 đô la Mỹ/tấn giảm nhẹ xuống 413 đô la Mỹ/tấn. Và ngược lại, nhập khẩu từ các thị trường khác đã giảm rất mạnh từ 304.000 tấn xuống chỉ còn 129.000 tấn, tức là giảm tới 57,6%, do giá bình quân tăng rất mạnh từ 424 đô la Mỹ/tấn lên 471 đô la Mỹ/tấn.
Như vậy không ít quốc gia có nhu cầu nhập khẩu đậu nành cũng đã chuyển sang nhập khẩu đậu nành của Mỹ, bởi giá “mềm” hơn hẳn.
Cho dù vậy, do tổng nhu cầu của nhóm các quốc gia này rất ít, chỉ bằng hai phần ba khối lượng của riêng Trung Quốc nhập khẩu từ thị trường Mỹ trước đây, cho nên có thể là đậu nành của Mỹ đang rơi vào cảnh ế ẩm, khó tìm thị trường để bù đắp. Thông tin về việc thị trường Mỹ đang “cháy kho” chứa đậu nành, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phải triển khai chương trình hỗ trợ nông dân lên tới 12 tỉ đô la Mỹ mà Reutuer đưa (báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lại) cho thấy điều đó.
Trong khi đó, từ tháng 10 hàng năm trở đi là khoảng thời gian mà nguồn đậu nành vụ xuân - hè năm nay của các quốc gia nam bán cầu hầu như đã cạn, cho nên Trung Quốc cũng như các quốc gia nhập khẩu khác phải dựa vào nguồn cung của các quốc gia bắc bán cầu, chủ yếu là Mỹ. Vì vậy, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ rất khó khăn trong việc nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, những thua thiệt hiện chỉ mới là bước đầu này sẽ sớm chấm dứt khi mà Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ, trong đó chắc chắn có đậu nành, như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết sau cuộc hội đàm Mỹ - Trung tại Buenos Aires, Argentina ngày 1-12 vừa qua.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes)
Không có nhận xét nào: