» » » Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn giá thịt heo

Thịt heo chiếm một vị trí quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam, với sản lượng xấp xỉ hai phần ba tổng sản lượng các loại thịt hàng năm. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những mặt hàng khiến các cơ quan quản lý nhà nước phải kêu gọi “giải cứu” nhiều nhất.

Chắc hẳn chúng ta chưa quên rằng mới chỉ tháng 4 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kêu gọi “giải cứu” người chăn nuôi heo do thịt heo rớt giá thảm hại, thì hiện tại cũng chính Bộ này kêu gọi “giải cứu” tiếp do… thịt heo tăng giá quá cao.

Các cú sốc cung - cầu gây biến động giá thị trường

Giá cả thịt heo thay đổi chủ yếu là do thay đổi quan hệ cung - cầu của thị trường. Ảnh: Thành Hoa

Cũng giống như đa phần các hàng hóa tiêu dùng khác, giá cả thịt heo thay đổi chủ yếu là do thay đổi quan hệ cung - cầu của thị trường.

Trong giai đoạn 2014-2016, số lượng heo nuôi tăng đột biến do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh. Với mức giá từ 45.000- 50.000 đồng/ki lô gam, nhiều nông dân chăn nuôi heo đã mở rộng quy mô đàn heo nái, dẫn đến tăng mạnh nguồn cung heo thịt lên đến 54,46 triệu con vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2016, Trung Quốc đột ngột tăng cường các biện pháp kiểm dịch tại biên giới, giảm nhập khẩu heo từ Việt Nam, dẫn đến hệ quả là một lượng lớn heo đến lứa nhưng không xuất chuồng được. Giá heo tại cổng trại ở miền Nam trước khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bắt đầu giảm vào tháng 5-2016, từ 51.000 đồng xuống chỉ còn khoảng 39.000 đồng/ki lô gam vào cuối năm 2016. Điều này khiến người nuôi heo lao đao, buộc phải cắt lỗ bằng cách bán heo quá cân cho thương lái ở mức giá “sập sàn”, thấp hơn nhiều so với giá hòa vốn. Tình trạng dư cung tiếp tục kéo dài đến hết năm 2017 khiến giá thịt heo chỉ bằng một nửa năm 2016.

Hậu quả là người chăn nuôi, đặc biệt những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp trên 70% sản lượng heo, trở nên bi quan và liên tục giảm đàn trong năm 2017. Tình trạng này dẫn tới sự khan hiếm về nguồn cung bắt đầu từ quí 2-2018. Thêm vào đó, thị trường thịt heo nhập khẩu cũng thu hẹp khi Bộ NN&PTNT phải tạm ngừng nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan(1), Hungary từ 20-9-2018 vì lo ngại dịch tả heo ở các quốc gia này. Các yếu tố trên đã làm cho giá thịt heo tăng mạnh từ khoảng 31.000 đồng lên tới 48.000 đồng/ki lô gam vào cuối tháng 6 và khoảng 50.000 đồng/ki lô gam vào cuối tháng 9.

Thị trường kém linh hoạt vì kinh doanh nhỏ lẻ, rào cản chi phí

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, Nhà nước cần tập trung xóa bỏ các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành thịt heo.

Có thể thấy, nguyên nhân chính của việc giá thịt heo thăng giáng trong hai năm qua là do những cú sốc về cầu (năm 2017) và cung (2018). Ở một thị trường cạnh tranh và vận hành tốt, nhà sản xuất thịt heo có thể tự điều chỉnh sản xuất để thích nghi với những thay đổi cung cầu, qua đó làm giảm bớt mức độ của những biến động giá cả. Ngược lại, ở các thị trường không vận hành tốt, thông tin bất đối xứng hoặc thiếu cạnh tranh, nhà sản xuất khó có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình. Điều này làm thị trường trở nên kém linh hoạt, các biến động giá cả càng gay gắt hơn. 

Tại Việt Nam, nguồn cung thịt heo đến chủ yếu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ này thường thiếu thông tin thị trường và khả năng dự báo để thay đổi kế hoạch sản xuất. Với số lượng vốn ít, chi phí chăn nuôi cao, thiếu hợp đồng bao tiêu và không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó kết nối được với các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị, nhà xuất khẩu để vượt qua khủng hoảng. Khi gặp những cú sốc cung - cầu thì cũng chính họ là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Ngược lại, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn là những người chịu ít thiệt hại nhất trong cuộc khủng hoảng và được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu của thị trường tăng trở lại. Nhờ đầu tư vốn lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, chi phí nuôi heo ở các doanh nghiệp này thường thấp hơn các hộ gia đình. Thêm vào đó, với việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm, sản phẩm của họ có thể được bao tiêu bởi các cơ sở tiêu thụ lớn và tiếp cận với các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp lớn cũng có khả năng dự báo thị trường tốt hơn để đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn. Với những ưu thế trên, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn có thể cầm cự trong khủng hoảng và khi thị trường khởi sắc trở lại là lúc các doanh nghiệp này chiếm ưu thế để gặt hái lợi nhuận.

Giá cả thịt heo cũng bị tăng thêm nhiều vì các chi phí trung gian do nhiều quy định, điều kiện kinh doanh chưa thông thoáng. Hiện nay, thủ tục xin cấp phép đầu tư cho vùng chăn nuôi và giết mổ heo tập trung vẫn phải tuân thủ qua tám bước, với nhiều điều kiện kinh doanh cứng nhắc. Theo Nghị định số 66/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp cần phải nuôi heo trên 300 con nái sinh sản hoặc trên 500 con gồm heo nái và heo nuôi lấy thịt hoặc trên 1.000 con nuôi lấy thịt mới đủ điều kiện chăn nuôi kinh doanh tập trung. Hạn chế này dẫn tới việc chỉ những doanh nghiệp có vốn lớn mới được phép làm kinh doanh, khiến mức độ cạnh tranh của thị trường giảm.

Trong khâu giết mổ, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng tới 15 điều khác nhau với các điều kiện kỹ thuật khắt khe để hình thành khu giết mổ(2). Các rào cản này vô hình trung tạo ra vị thế độc quyền của các lò mổ lớn, gia tăng chi phí xử lý và mổ heo, đồng thời gián tiếp gia tăng chi phí thu mua, vận chuyển. Một ví dụ điển hình là trường hợp lò mổ Xuyên Á tại TPHCM nâng giá giết mổ từ 5.000 đồng lên 48.000 đồng/con sau khi chiếm vị trí thống lĩnh thị trường.

Trong khâu kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm, việc thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ cũng làm tăng chi phí đáng kể và giảm tính linh hoạt của cung ứng.

Cải thiện thông tin thị trường, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp thay vì can thiệp hành chính

Trong thời kỳ giá thịt heo leo thang như hiện nay, nếu nhà quản lý buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bằng mệnh lệnh hành chính thì vừa không hiệu quả, vừa lợi bất cập hại.

Cái hại đầu tiên của can thiệp giá là cản trở sự hình thành các doanh nghiệp nuôi heo ở quy mô lớn. Để thị trường vận hành được tốt, chúng ta cần những doanh nghiệp chuyên nghiệp, đầu tư bài bản hơn và buôn bán dựa trên hợp đồng thay vì chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Nếu Bộ NN&PTNT dùng sức ép để buộc các doanh nghiệp bán với mức giá thấp hơn giá thị trường thì cũng tương đương với việc trừng phạt các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và làm giảm động lực để các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thay đổi mô hình sản xuất.

Thứ hai, việc can thiệp giá bằng mệnh lệnh hành chính còn dẫn tới một cái hại lâu dài hơn là vì nó tạo ra thêm thông tin sai lệch trên thị trường và ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp và hộ kinh doanh kỳ vọng rằng khi kinh doanh gặp khó khăn sẽ được giải cứu và khi lợi nhuận cao sẽ phải điều tiết thì họ sẽ có thái độ chấp nhận rủi ro cao hơn và giảm động lực đổi mới sáng tạo để tăng lợi nhuận.

Tóm lại, giá thịt heo biến động mạnh trong thời gian vừa qua một mặt do những biến động cung cầu, một mặt phản ánh điểm yếu của một nền chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, Nhà nước cần tập trung xóa bỏ các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành thịt heo. Các chính sách hỗ trợ nên chú trọng thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình doanh nghiệp nhằm thích ứng với những thay đổi thị trường và các yêu cầu ngày càng khắt khe từ người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

(1) Ba Lan là thị trường nhập khẩu thịt heo lớn nhất của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2018, với khối lượng 7.035 tấn, kim ngạch trên 8 triệu đô la Mỹ.

(2) Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT

Hoàng Thực - Văn Thịnh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: