» » Lo ngại 'cơn lốc' đường lỏng HFCS

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định việc nhập khẩu đường lỏng HFCS (High-Fructose Corn Syrup) chiết xuất từ tinh bột bắp đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành đường mía trong nước.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Đường lỏng HFCS “hạ đo ván” đường mía

Tại Công văn số 80/CV-HHMĐ của VSSA gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng HFCS, đơn vị này khẳng định: “Số lượng đường lỏng HFCS nhập khẩu đã liên tục gia tăng một cách đột biến trong giai đoạn 2015-2017”. Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VSSA cho biết năm 2015, khối lượng đường lỏng HFCS nhập khẩu vào Việt Nam là 67.834 tấn; năm 2016 trên 70.000 tấn; năm 2017 là 89.343 tấn, tăng 31,7% so với năm 2015. Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc cung cấp hơn 90% (Trung Quốc 149.500 tấn và Hàn Quốc trên 67.700 tấn).

Trong khi khối lượng đường lỏng HFCS nhập khẩu tăng thì mức giá nhập khẩu có xu hướng giảm và thấp hơn nhiều so với giá đường mía. Đơn giá trung bình của đường mía (trắng) năm 2015 là 630 đô la Mỹ/tấn trong khi đường HFCS chỉ 496 đô la Mỹ/tấn; năm 2016 đường mía là 726 đô la Mỹ/tấn, đường HFCS là 460 đô la Mỹ/tấn; năm 2017 đường mía là 702 đô la Mỹ/tấn, đường HFCS 398 đô la Mỹ/tấn. “Với mức giá chênh lệch cao như vậy, đường lỏng HFCS thực sự là thách thức cạnh tranh rất lớn đối với ngành sản xuất đường mía trong nước”, VSSA khẳng định.

Trên thực tế, khả năng cạnh tranh kém của đường mía đã dẫn đến lượng đường tồn kho khá lớn. Đến cuối tháng 7-2018, tổng lượng tồn kho của các nhà máy đã lên đến 660.000 tấn, chiếm đến 46% sản lượng niên vụ 2017-2018.

Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương có diện tích mía lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết lượng đường tồn kho lớn đã ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch tiêu thụ mía trong niên vụ 2018-2019 (bắt đầu từ tháng 9-2018). Cụ thể, tỉnh Hậu Giang xuống giống trên 10.500 héc ta mía, giảm 150 héc ta so với niên vụ trước, nhưng tính đến thời điểm cuối tháng 8-2018, chỉ có 5.680 héc ta (tương đương 50%) là được bao tiêu. Tỷ lệ bao tiêu ở những năm trước là 100%.

Còn xét về giá bao tiêu, ở niên vụ 2017-2018, mía nguyên liệu được doanh nghiệp bao tiêu với giá 1.000-1.100 đồng/ki lô gam đối với loại đạt 10 chữ đường (CCS) giao tại cầu cảng nhà máy. Giá năm nay xuống chỉ còn 800 đồng/ki lô gam trong điều kiện tương tự.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó chủ tịch VSSA, cho biết giá bán của đường lỏng ở mức 8.000-9.000 đồng/ki lô gam so với đường mía (trắng) có giá bán khoảng 11.000 đồng/ki lô gam. Giá rẻ cùng với chính sách nhập khẩu ưu đãi đối với đường lỏng HFCS (mà cụ thể là không chịu thuế và hạn ngạch nhập khẩu) đã tác động tiêu cực đến lượng tiêu thụ đường mía trong nước. Theo tính toán của VSSA, những điều này đã gây thiệt hại cho ngành đường nội địa hơn 500 tỉ đồng trong giai đoạn 2015-2017.

Nâng thuế nhập đường HFCS không khả thi

Liên quan đến mong muốn của VSSA về việc nâng thuế nhập khẩu đường lỏng HFCS để tạo công bằng với đường mía, trao đổi với TBKTSG, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA của Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết mức thuế áp đối với đường lỏng HFCS của các nước không là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là 22,5%; thuế MFN (Most Favoured Nation) là 15%; thuế ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do (FTA) thì tùy từng FTA sẽ có các mức thuế khác nhau.

Đối với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA), Việt Nam đang cam kết áp thuế là 0%.

“Nâng mức thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại này lên bằng với mức thuế MFN hoặc bằng thuế áp đối với các sản phẩm đường mía sẽ là hành động vi phạm cam kết”, bà Phương cho biết.

Làm gì để bảo vệ ngành đường mía?

Đối với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, bà Phương cho biết, theo quy định của WTO (và các FTA của Việt Nam cũng khẳng định lại các quy định của WTO), công cụ phòng vệ thương mại bao gồm ba biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Nhưng việc áp dụng một trong ba công cụ này phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc chung của WTO. Tại Việt Nam, các quy định, nguyên tắc chung của WTO đã được luật hóa mà cụ thể là được điều chỉnh bởi Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ 1-1-2018; Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại; và Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cũng theo bà Phương, trong vụ việc cụ thể này của ngành mía đường, cần phân biệt rõ điều kiện áp dụng giữa biện pháp tự vệ và biện pháp chống bán phá giá để lựa chọn công cụ. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá là hàng hóa nhập khẩu bán phá giá; ngành sản xuất nội địa bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên.

Trong khi đó, điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ là hàng hóa được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; ngành sản xuất nội địa bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu tăng đột biến với thiệt hại nói trên.

Các biện pháp phòng vệ (tự vệ hoặc chống bán phá giá) sẽ không “tự động” được áp dụng mà phải trải qua quá trình điều tra. Ngành sản xuất nội địa phải đệ trình được những số liệu chứng minh lượng nhập khẩu tăng hay hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, cũng như những số liệu chứng minh cho thiệt hại của ngành tới Cục Phòng vệ thương mại và cơ quan này có trách nhiệm xem xét, xử lý. “Việc VSSA gửi công văn đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ chưa thể xem là đơn kiện để bắt đầu vụ việc”, bà Phương cho biết.

Ngoài ra, đơn kiện của vụ việc phòng vệ thương mại phải đảm bảo các yêu cầu khác, như tư cách đại diện ngành sản xuất nội địa của nguyên đơn (ví dụ trong vụ kiện chống bán phá giá, nguyên đơn đủ điều kiện đại diện cho ngành phải chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng và các doanh nghiệp ủng hộ đơn kiện phải chiếm ít nhất 50% tổng sản lượng); đơn kiện phải dẫn chứng đầy đủ số liệu về lượng nhập khẩu tăng đột biến hoặc hàng nhập khẩu bán phá giá, các số liệu chứng minh thiệt hại của ngành sản xuất nội địa, chứ không chỉ thiệt hại đối với riêng công ty nguyên đơn.

Một công cụ nữa là sử dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (SPS). Trong Công văn số 80 của VSSA có nêu một nội dung quan trọng, đó là đường lỏng HFCS có thể không an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Theo WTO (và các FTA của Việt Nam cũng khẳng định lại các quy định của WTO), các nước có quyền ban hành các biện pháp đối với hàng nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng, vệ sinh, bao bì, quy trình đóng gói, kiểm dịch, lấy mẫu, kiểm tra các hàm lượng cho phép... để bảo vệ sức khỏe của con người, vật nuôi. “Do đó, VSSA và các doanh nghiệp mía đường có thể yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định về vệ sinh và chất lượng sản phẩm đối với các sản phẩm đường HFCS nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, bà Phương nói.

Tuy nhiên, bà Phương lưu ý việc ban hành các biện pháp phải đảm bảo các nguyên tắc: khoa học; dựa vào các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế, nếu có; không tạo ra sự phân biệt đối xử một cách tùy tiện, không có căn cứ hoặc gây ra cản trở trá hình đối với thương mại. 

Đường lỏng HFCS có an toàn cho sức khỏe?

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đường mía thông thường (sucrose) được hình thành từ hai phần tử đường quyện chặt vào nhau, gồm 1 glucose và 1 fructose với tỷ lệ đồng nhất. Các enzyme tiêu hóa bẻ gãy liên kết đó, biến sucrose thành glucose và fructose trước khi cơ thể hấp thụ.

Trong khi đó, đường lỏng HFCS cũng chứa glucose và fructose, nhưng không cùng tỷ lệ 50-50 như sucrose, mà là 55-45, trong đó, 55 là fructose và 45 là glucose. Trong đường lỏng HFCS, các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau, nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose vào thẳng trong gan và hình thành chất béo, làm tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan. Còn glucose được hấp thụ vào máu nhanh chóng, sẽ kích hoạt sản xuất số lượng lớn insulin - hormone lưu trữ chất béo chủ yếu ở cơ thể.

Cả hai thuộc tính ở trên của đường lỏng HFCS dẫn tới tăng nhiễu loạn hấp thụ khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ… Lượng fructose cao sẽ tạo ra lổ thủng ở ruột, cho phép các sản phẩm phụ là vi khuẩn đường ruột độc hại và chất đạm từ thức ăn vừa được tiêu hóa một phần tiến thẳng vào máu, gây viêm nhiễm…

Trung Chánh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: