» » Dự báo xuất khẩu gạo nửa cuối năm không còn thuận lợi

Kết quả xuất khẩu gạo đã đạt được trong những tháng đầu năm 2018 của Việt Nam là khá ấn tượng khi khối lượng lẫn kim ngạch đều tăng mạnh, nhưng nhiều khả năng sắp tới sẽ ảm đạm và dự báo giá bán giảm mạnh.

Dự báo xuất khẩu gạo Việt sẽ gặp khó khăn trong những tháng cuối năm. Ảnh: Trung Chánh
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6-2018 đạt khoảng 604.000 tấn, trị giá đạt 317 triệu đô la Mỹ, đưa khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 3,6 triệu tấn, trị giá 1,8 tỉ đô la, tăng 24,6% về khối lượng và 42,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Xét về khối lượng, xuất khẩu tăng mạnh 24,6% là nhờ ký được những hợp đồng quan trọng từ Indonesia, Philippines và Cuba. Trong khi đó, giá trị tăng 42,4% thì bên cạnh việc bán được nhiều gạo hơn, thì giá xuất khẩu tăng mạnh cũng là lý do góp phần tạo nên sự tăng trưởng đó (giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 505 đô la/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ).

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát cho biết, trong bối cảnh mặt bằng giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, thì sau khi thực hiện xong các hợp đồng cho Indonesia, Philippines…, đã ký trước đó, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó đàm phán ký tiếp được hợp đồng mới.

Minh chứng dễ nhận thấy nhất, đó là sau khi Việt Nam và Thái Lan cùng chia nhau hợp đồng bán gạo theo thỏa thuận liên Chính phủ (G2G) cho Philippines hôm 4-5-2018 (Việt Nam 130.000 tấn, Thái Lan 120.000 tấn), thì trong hợp đồng 250.000 tấn tiếp theo được Philippines mở thầu hôm 22-5-2018 theo thỏa thuận Chính phủ - Tư nhân (G2P), Thái Lan đã “ôm trọn” khoảng 90% khối lượng gói thầu. Trong khi đó, Việt Nam không bán được “một hạt gạo” nào.

Lý do chính khiến Việt Nam thất bại trong cuộc đua bán gạo ở gói thầu 250.000 tấn G2P là vì giá Việt Nam đưa ra quá cao so với đối thủ Thái Lan.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Việt Nam không hạ giá để cạnh tranh với Thái Lan trong gói thầu nêu trên?

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi giải thích, do đã “ôm hàng” từ nông dân với giá cao. “Đầu vào đã mua giá cao, cho nên, nếu hạ giá giành hợp đồng với Thái Lan đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ lỗ. Vì vậy, bỏ thầu giá cao hơn Thái Lan nên thất bại”, ông cho biết.

Còn vào thời điểm hiện tại, báo giá của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, giá chào của quốc gia này đang tiếp tục thấp hơn so với Việt Nam, mà cụ thể gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có giá 398 đô la/tấn, trong khi chủng loại này của Việt Nam là 403-407 đô la/tấn. Xu hướng gạo Thái Lan giảm giá vẫn đang tiếp diễn. 

Việc giá gạo Thái cạnh tranh hơn gạo Việt được dự báo sẽ tiếp tục là một áp lực cho xuất khẩu của gạo Việt Nam thời gian tới.

Trước tình thế này, ông Tuấn dự báo thị trường lúa gạo nội địa sắp tới sẽ khá ảm đạm, giá giảm mạnh. Trường hợp doanh nghiệp chấp nhận hạ giá xuất khẩu để cạnh tranh giành hợp đồng bán gạo, thì chắc chắn giá cũng không tốt như hồi đầu năm 2018 được.

Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Tài chính quốc gia này thông báo thay đổi thuế nhập khẩu gạo kể từ ngày 1-7-2018 với 14 mặt hàng. Trong đó, mức thuế áp dụng đối với lúa, gạo nguyên hạt, gạo tấm, bột ngũ cốc và bột ngũ cốc dạng tấm (bột thô) nhập khẩu từ khu ASEAN sẽ có mức thuế lần lượt là 50%, 50%, 5%, 40%5%. Điều này, chắc chắn sẽ có tác động đến việc xuất khẩu gạo Việt Nam khi có đến khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu hàng năm bán vào Trung Quốc. Đặc biệt, hàng năm có khoảng gần 1 triệu tấn gạo nếp được xuất khẩu vào quốc gia này.

Trung Chánh (thesaigontimes)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: