Để tránh tình trạng bệnh khảm lá mì (sắn) lan rộng, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh và Bình Dương chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi các giống mì bị nhiễm bệnh…
Ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh kiểm tra mì bị nhiễm bệnh khảm. Giang Phương
Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tính đến ngày 14.6, diện tích nhiễm bệnh khảm lá mì lên đến 14.309,4 ha (tăng 14.303 ha so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bệnh xuất hiện, gây hại tại Tây Ninh trên 14.100 ha và lan sang Bình Dương khoảng 195 ha. Bệnh được xác định gây hại nặng trên giống HL-S11, hầu hết các diện tích bị nhiễm bệnh nặng đều phát bệnh ngay từ khi mới mọc mầm.
Khuyến cáo thay thế giống mới
Ngoài việc nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi các giống sắn đã bị nhiễm bệnh; Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh và Bình Dương chỉ đạo, tuyên truyền cho nông dân biết, không trồng giống HL-S11, đồng thời khuyến cáo sử dụng thay thế bằng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM419, KM140... Hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu hủy triệt để diện tích sắn bị nhiễm bệnh; phun trừ bọ phấn (rầy phấn trắng) để diệt nguồn môi giới truyền bệnh. Những vùng bị nhiễm bệnh nặng cần phải tiêu hủy cây bị bệnh, nghiêm cấm vận chuyển thân lá sắn ra khỏi vùng dịch; luân canh cây trồng khác để tránh thiệt hại.
Ngoài ra, các tỉnh trồng sắn vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên chỉ đạo tổ chức rà soát bệnh khảm lá sắn ở các địa phương nếu phát hiện bệnh thì phải thực hiện theo quy trình phòng trừ; phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng tập trung hỗ trợ các địa phương phòng chống bệnh khảm lá sắn; tổ chức rà soát bệnh khảm lá sắn ở các địa phương, báo cáo Bộ trước ngày 30.6.2018.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, nhu cầu xuống giống của nông dân trên địa bàn hiện rất lớn nhưng nguồn giống ít nhiễm bệnh như KM94 cung cấp không đủ. Do đó, đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm thực nghiệm Hưng Lộc (Đồng Nai) cùng tỉnh Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông để cung cấp nguồn giống sạch.
Cũng theo ông Dũng, hiện một số hộ nông dân đã liên hệ với các trạm khuyến nông để đặt giống. Tuy nhiên, số lượng người dân tìm mua còn hạn chế. Mặc khác, do dịch bệnh lây lan mạnh nên giống mì khan hiếm, một số hộ có hiện tượng tận dụng lại hom mì của cây bệnh để trồng.
“Việc người dân tận dụng lại hom mì từ cây đã nhiễm bệnh sẽ khiến nguồn bệnh còn tích lũy có điều kiện bùng phát mạnh, lây lan sang nhiều cánh đồng mì lân cận, nguy cơ mất mùa vụ rất lớn. Do đó, người dân tuyệt đối không tận dụng bất kỳ nguồn nhiễm bệnh nào để trồng mà phải liên hệ với các trạm khuyến nông ở địa phương để được hướng dẫn”, ông Dũng khuyến cáo.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn (khoai mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), tác nhân lan truyền là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Bệnh khảm lá sắn đã gây hại nặng trên cây sắn tại Campuchia, sau đó lây lan sang Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện ở Tây Ninh vào tháng 6.2017. Ngày 19.7.2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã gửi công điện khẩn đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện cấp bách việc tiêu hủy nguồn bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Tây Ninh đã công bố dịch và chỉ đạo áp dụng các biện pháp dập dịch. Sau gần 1 năm tổ chức các biện pháp chống dịch bệnh nhưng bệnh vẫn tiếp tục lây lan, gây hại nặng, có nguy cơ tàn phá vùng trồng sắn ở Tây Ninh và đang lây lan sang các địa phương khác, trong đó đã ghi nhận tại Bình Dương
Giang Phương (Báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào: