» » Giá đường giảm, tồn kho tăng

Ngay sau Tết Nguyên đán, chính quyền tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi người dân trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ tiêu thụ đường nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất mía đường vượt qua khó khăn do lượng tồn kho tăng.

Giá đường giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiêu thụ. Ảnh: Đ.N.Thạch

Đại diện Công ty CP mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết nhà máy đang tồn kho khoảng 30.000 tấn đường, trong khi cùng kỳ năm trước mức tồn kho chỉ khoảng 15.000 - 20.000 tấn. Nếu như các năm trước, nhiều tiểu thương mua hàng trước tết để trữ bán thì năm nay chỉ bán tới đâu mua tới đó. Điều này khiến hàng tồn kho của Casuco tăng cao và công ty phải giảm giá bán.

Cụ thể, hiện nay giá bán buôn còn từ 12.000 - 12.500 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 15.000 đồng/kg. Nếu so với giá đường bán lẻ cuối năm 2017 thì giá đã giảm gần 2.000 đồng/kg. Còn so với giá bán lẻ ngay trước tết thì giá đường hiện nay tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng/kg. Casuco cho rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là đường nhập lậu tràn lan gây khó khăn cho việc tiêu thụ đường trong nước.

Tại một số chợ và siêu thị ở TP.HCM, đường trắng tinh luyện của các thương hiệu lớn hiện được bán giá 20.000 - 21.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cuối năm 2017. Riêng giá đường bán lẻ của các doanh nghiệp nhỏ thì thấp hơn, chỉ 18.000 - 18.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường thế giới đang trong xu hướng giảm khi đến cuối năm 2017 đã giảm 25% so đầu năm. Nhiều tổ chức dự báo lượng đường dư thừa đang gia tăng. Trong báo cáo tháng 1, Tổ chức Green Pool đã tăng dự báo dư thừa đường lên tới 10,43 triệu tấn, khiến tỷ lệ tồn kho so với sử dụng lên tới 48,4%, cao nhất trong vòng 15 năm nay. Điều này có thể đẩy giá đường xuống thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký VSSA, việc tiêu thụ đường đang khá chậm do nguồn cung trong nước gần sát với mức tiêu thụ nhưng lượng đường nhập lậu về nhiều khiến nguồn cung tăng. Đường lậu có giá thấp hơn đường của các doanh nghiệp trong nước sản xuất khiến lượng bán ra của doanh nghiệp càng khó. Ngoài ra, hoạt động gian lận thương mại cũng làm gia tăng nguồn cung trong nước... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đường trong nước khó cạnh tranh giá với đường nhập khẩu. Theo ông Hải, trong khi giá mía tại Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn thì mía tại Việt Nam có giá lên gần 50 USD/tấn. Nguyên liệu mía chiếm đến 75 - 80% giá thành sản xuất nên đường của Việt Nam không cạnh tranh được về giá.

M.Phương (Báo Thanh Niên)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: