» » Rau quả chế biến sẽ dẫn dắt ngành nông nghiệp

Tiềm năng tiêu thụ ở nước ngoài rộng lớn, điều kiện sản xuất trong nước sẵn có và đặc biệt dư địa để phát triển lớn là những điều kiện để mặt hàng ra củ quả vượt lên trong ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Người tiêu dùng chọn mua rau quả tại một siêu thị. Ảnh: Trung Chánh

Kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt lúa gạo

Tại diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau-củ-quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp- nông thôn” được tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp vào chiều 18-12, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng tín hiệu của thị trường thế giới về mặt hàng ra củ quả sẽ là căn cứ cho định hướng sản xuất thời gian tới.

Ông Thành dẫn chứng ngành rau- củ-quả thế giới năm 2015 đã đạt doanh thu gần 250 tỉ đô la Mỹ, trong đó, mặt hàng tươi chiếm 63% và hàng chế biến là 37%. “Dự báo đến năm 2021, riêng hàng chế biến sẽ đạt đến 317 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết và nói rằng tương lai của ngành này sẽ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm thế giới. Bởi, các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hiện đã chuyển sang xu hướng này.

Với Việt Nam, theo ông Thành, trong nước có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chế biến rau- củ- quả và đặc biệt dư địa để phát triển của ngành hàng này còn lớn.

Cụ thể, Việt Nam hiện có 49 triệu héc ta diện tích nông nghiệp thu hoạch, chiếm 2% diện tích thu hoạch của thế giới. Trong đó, cả nước có 863.000 héc ta trồng cây ăn trái và 908.000 héc ta trồng rau- củ-quả với 2 vùng sản xuất trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng.

Tuy số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này rất ít, chỉ có 145, nhưng tính đến năm 2016 đã mang về khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng 44% so với năm trước đó, vượt qua kim ngạch lĩnh vực lúa gạo với 582 nhà máy. “Điều đó có nghĩa, tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ là một xu hướng mới, mang tính dẫn dắt trong ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông cho biết.

Một lý do khác, theo ông Thành, việc đầu tư các nhà máy chế biến rau- củ- quả Việt Nam đi sau các nước, nhưng đây sẽ là một lợi thế. “Bởi, các nhà máy ở khu vục lân cận, họ đã đầu tư cách nay 10 năm và hiện đang trong giai đoạn thu hồi vốn về công nghệ. Còn chúng ta có lợi thế đi sau, mua công nghệ mới và hiện đại”, ông cho biết và dẫn chứng trường hợp Công ty cổ phần Lavifood (Long An) đầu tư nhà máy 1.500 tỉ đồng bằng công nghệ của Ý, Đức và hiện sản xuất không đủ hàng để cung cấp cho các đối tác trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao ngành rau- củ- quả Việt Nam khi nhấn mạnh xuất khẩu của ngành hàng này đã vượt lúa gạo, dầu khí và mang về cho đất nước 3,5 tỉ đô la Mỹ trên tổng số 36 tỉ đô la Mỹ của ngành hàng nông lâm thủy sản năm 2017. Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính phủ, hiện ngành hàng này nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn những hạn chế cần khắc phục thời gian tới.

Theo đó, vấn đề đầu tiên là năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất của ngành còn thấp ở một số vùng và địa phương, thậm chí tình trạng thị trường không ổn định còn diễn ra thường xuyên. “Vì vậy, tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa cũng diễn ra trong lĩnh vực này”, ông cho biết.

Vấn đề công nghệ sinh học, nhất là giống cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét thời gian tới; công nghệ cao gắn với chế biến trong điều kiện biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập; thất thoát sau thu hoạch ở ngành hàng này còn cao.

Bất cập về hạ tầng logistics, theo ông Phúc, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh của sản phẩm thấp. “Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chi phí logistics Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Chi phí logistics tính theo GDP chiếm khoảng 20%, gần gấp đôi thế giới”, ông dẫn chứng và đề nghị ngành Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nên có phương hướng phát triển tốt hơn nữa dịch vụ logistics.

Đặc biệt, theo ông Phúc, chính sách thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực này chưa rõ ràng ở cấp quản lý vĩ mô. “Chẳng hạn, Đồng Tháp có hơn 20.000 héc ta vùng trồng cây ăn quả, mà muốn tăng lên 3 lần thì chính sách nào để thu hút”, ông nêu câu hỏi và yêu cầu sau diễn đàn phải có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau- củ- quả xứng với tiềm năng là ngành mũi nhọn trong nông nghiệp Việt Nam.

Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác

Trong khuôn khổ diễn đàn ngày 18-12 đã diễn ra lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Công ty Cổ phần Lavifood đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ về việc đầu tư chiến lược vào Khu công nghiệp chế biến sâu rau- củ- quả tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.

Đồng thời, còn có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang quan tâm đầu tư vào dự án nhằm xuất khẩu nông sản tỉnh Đồng Tháp đi các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, EU… Trong đó, có một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nông sản, bao gồm: Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction Co.,Ltd (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).

Đáng chú ý, tại sự kiện này, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty Cổ phần Lavifood và đối tác thương mại Greenland Business Group ký kết một bản thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu đô la trong 2 năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.

Trung Chánh (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: