Nhiều ngày nay, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa liên tục, người trồng kiệu tết ở thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang lo lắng khi phát hiện kiệu bị bệnh mốc sương mai, thối nhũn.
Những ruộng kiệu bị ngã, đổ sau mưa và gặp bệnh sương mai, thối nhũn. Ảnh: Nguyễn Trang
Thôn Long Yên (xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có truyền thống trồng kiệu từ hàng chục năm, người dân tận dụng vùng đất đồi để xuống giống. Năm nay, thôn Long Yên trồng hơn 20ha kiệu. Thế nhưng, thời tiết thất thường, ảnh hưởng mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khiến phần lớn diện tích kiệu bị hư hại, xuất hiện bệnh mốc sương mai, thối nhũn, khiến người dân lo lắng.
Bà Huỳnh Thị Thu, thôn Long Yên, cho biết, bắt đầu xuống giống từ tháng 7, 8 Âm lịch với diện tích 2 sào, đến nay đã gần 4 tháng nhưng củ kiệu rất nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay, nhiều người sợ rằng chỉ còn 1 tháng nữa là thu hoạch, củ không lớn kịp. “Mấy ngày nay ra vườn thấy lá kiệu có hiện tượng vàng lá, lá úa, một số gốc kiệu bị thối nhũn, hư từ ngọn đến gốc lá” - Bà Thu nói.
Những bụi kiệu xuất hiện vàng lá, gãy lá, và kém phát triển. Ảnh: Nguyễn Trang
Độ ẩm cao tạo điều kiện cho một số sâu bệnh tấn công. Ảnh: Nguyễn Trang
Ông Lê Lên, thôn Long Yên, cũng trồng 1 sào kiệu và đang gặp hiện tượng vàng lá, củ kiệu bị bệnh. Ông nói: “Mặc dù đã phun thuốc nhưng không hiệu quả, vừa phun gặp ngay trời mưa nên thuốc trôi hết”. Theo ông, hiện giá kiệu ở mức 18.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước, người dân đều mong chờ giá kiệu sẽ nhích lên khi vào đầu tháng Chạp tới.
Mặc dù đã trồng hơn 4 tháng nhưng củ kiệu còn rất nhỏ. Ảnh: Nguyễn Trang
Ông Lê Văn Khoa, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn, cho biết: “Thời tiết những ngày gần đây do ảnh hưởng bão đã tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của kiệu, mưa liên tục, trùng vào giai đoạn kiệu bị bệnh mốc sương mai, thối củ do vi khuẩn, lá kiệu bị thiên địch như nhện, sâu, gây hư hại". Theo ông Lê Văn Khoa, khi phát hiện bệnh, người dân thường phun thuốc để diệt nhưng thời điểm phun gặp mưa nên thuốc giảm hiệu quả, dẫn đến phun lại nhiều lần gây tốn kém.
Hiện nay, Trạm Khuyến nông Bình Sơn đang phối hợp cùng 6 hộ dân thôn Long Yên thực hiện mô hình trồng kiệu sẻ thâm canh với tổng diện tích 8.000m², theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng kỹ thuật, vật tư mới vào quá trình sản xuất như dầu khoáng SK, nano bạc… Với mô hình này, người trồng kiệu ít phải bón phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, năng suất cao, giá bán khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, mỗi sào thu lãi gần 6,8 triệu đồng/sào.
Nguyễn Trang (Báo SGGP)
Không có nhận xét nào: