Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, đường sẽ là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch và mức thuế suất cũng sẽ giảm về 0%. Trước sức ép này, hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, thua trắng tay trên chính sân nhà.
Hơn 300.000 tấn đường trong nước đang tồn kho không thể tiêu thụ. Ảnh: Internet.
Sức ép đè nặng doanh nghiệp
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho mặt hàng đường, ngoại trừ một vài nước như Philippines, Campuchia, Việt Nam giữ mức thuế suất là 5%, Indonesia 5-10% và Myanmar 0-5%.
Song theo lộ trình cam kết, thuế này bắt buộc phải giảm về 0% đối với tất cả các nước ký kết khi thời gian ấn định đã đến. Nói cách khác, chỉ còn hơn tháng nữa là tới thời điểm 1/1/2018, hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN chỉ còn 0%.
Dự báo, mặt hàng đường nói riêng cũng như nhiều hàng hóa khác từ các nước ASEAN sẽ ồ ạt “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam tạo nên sức ép không hề nhỏ đối với các dianh nghiệp trong nước. Minh chứng dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng "đóng băng" của hơn 35.000 tấn đường niên vụ mới 2017, thêm vào đó là 300.000 tấn đường tồn từ niên vụ trước, mặc dù giá bán hiện đã ngang bằng giá đường nhập lậu.
Thậm chí, phân tích tác động từ ATIGA, ông Phạm Quốc Doanh- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam còn cho biết, hiện có đến 2/3 số nhà máy đường của Việt Nam, có công suất dưới 3.000 tấn mía/ngày, sẽ không thể đảm bảo về vấn đề công suất, dẫn tới nguy cơ đóng cửa khi ATIGA có hiệu lực thực thi. Hiện, đã có 2 nhà máy trong số này chính thức ngừng hoạt động.
Nếu nhà máy đóng cửa hoặc sử dụng nguyên liệu nhập ngoại thay cho nguyên liệu mía trong nước, thì người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là 11 vạn hộ nông dân trồng mía với 38 vạn lao động và 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường. Có thể nói, tác động tới doanh nghiệp và người dân sẽ là vô cùng lớn khi ATIGA có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 tới.
Hạn chế nhập khẩu đường Thái Lan
Hiện nay, do chưa chủ động được giống, kỹ thuật canh tác và công nghệ sản xuất mà giá mía nguyên liệu của Việt Nam ở mức cao, trong khi đó, mía chiếm 70-80% giá thành đường, dẫn tới giá thành sản phẩm đường của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Nếu một tấn mía của Brazil, nước sản xuất mía đường tốt nhất thế giới có giá thành là 16 USD, Úc là 18-20 USD, Thái Lan là 30 USD thì Việt Nam là 50 USD.
Do đó, chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết, nông dân trồng mía, doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang rất cần sự quan tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp từ chính phủ, bằng cách xem xét kỹ lưỡng về vấn đề trợ giá và bán phá giá của Thái Lan.
Trong thời gian ngành mía đường Thái Lan đang bị Brazil cáo buộc vi phạm hiệp định thương mại quốc tế, chính phủ Việt Nam nên tạm thời chưa mở cửa hoàn toàn thị trường đường cho Thái Lan, hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường từ Thái Lan thêm vài năm nữa.
Đồng thời, hỗ trợ nông dân trồng mía và các doanh nghiệp mía đường trong nước tập hợp các chứng cứ pháp lý về việc ngành mía đường Thái Lan vi phạm các quy định của WTO để buộc ngành đường Thái Lan vận hành theo đúng quy định thương mại quốc tế, tạo sự công bằng cho việc cạnh tranh giữa ngành mía đường Việt Nam với các nước khác, đặc biệt Thái Lan trong hội nhập quốc tế.
Kiến nghị giải pháp căn cơ về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, ngành sản xuất đường cần phải kéo giá nguyên liệu xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh. Việc dồn điền đổi thửa, tạo ra những vùng nguyên liệu lớn.
“Để làm được việc này, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa từ đó sẽ giảm được chi phí còn 50% so với hiện nay. Các nước trong khu vực như Thái Lan và Philippines hiện cũng đã và đang có những hành động cụ thể nhằm tái cấu trúc mạnh mẽ ngành mía đường. Ví dụ Philippines áp dụng chương trình cánh đồng lớn Block Farming (thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập những nông trường canh tác mía quy mô từ 30-50 ha”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Đây là cơ sở tiên quyết để áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa tiên tiến do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện dưới sự bảo trợ và giám sát của chính phủ. Ngoài ra nước này còn thực hiện chương trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ nông trại về nhà máy (Farm to Mills Road) hay chương trình tài trợ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi; giành ngân sách 300 triệu peso/năm (150 tỉ đồng) cho hoạt động R&D với mục tiêu dài hạn phát triển bộ giống mía năng suất cao và nghiên cứu các sản phẩm cạnh đường, sau đường có giá trị kinh tế giá tăng cao đón đầu cho xu hướng tiêu dùng thị trường.
Thy Hằng (Diễn đàn doanh nghiệp)
Không có nhận xét nào: