» » » Rau củ quả Việt chinh phục thị trường ngoại

Xuất khẩu rau quả đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2005, rau quả xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 235 triệu USD, thì tính riêng trong tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 209 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu lĩnh vực rau củ quả 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến ngày 15 tháng 11 kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 3,01 tỷ USD. Với đà tăng trưởng khả quan và nhiều tiềm năng thị trường, nhiều chuyên gia kỳ vọng có thể xuất khẩu rau quả đạt 10 tỷ USD vào năm 2020


Tăng trưởng ngoạn mục

Điểm đáng chú ý là mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua, ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand...


Chẳng hạn, thanh long từ Việt Nam cũng mới được xuất bán sang thị trường Australia. Mới đây, phía Mỹ đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường này. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ.

Đến nay, cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thực tế này đang tạo thêm động lực cho các nhà xuất khẩu đẩy mạnh sang các thị trường lớn và khó tính.

Ngành rau quả được đánh giá sẽ rất có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt khi có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp với công nghệ cao, giống mới chất lượng của các Viện nghiên cứu và nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến.


Những bước tiến ngoạn mục trong lĩnh vực xuất khẩu của sản phẩm rau quả, trái cây thời gian qua là do sự nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại, tìm cách mở rộng thị trường của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.

TS. Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình nhận xét, hiện nay, nông nghiệp của chúng ta vẫn còn rất nhiều tồn tại khi chưa quy hoạch được đất đai, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.


Cơ hội lớn cho rau củ quả Việt Nam

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh không những trở thành động lực thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư, mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đây cũng là hướng đi tất yếu mà ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nông sản nói riêng đang hướng tới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới.

Mặt khác, việc tiếp cận được những thị trường khó tính của ngành hàng rau, củ quả thời gian qua vừa tránh cho sản phẩm phụ thuộc vào một thị trường, vừa giúp cho người nông dân thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, chuyển từ bán cái mình có sang bán những gì thị trường cần.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đòi hỏi các ngành sản xuất đi theo chuỗi giá trị đã tạo ra sự phát triển bền vững đối với nông sản Việt Nam nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng, tạo ra sự ổn định về thu nhập cho nông dân khi hướng ra thị trường quốc tế.


Đặc biệt, khi thị trường rau quả thế giới đang phát triển mạnh với nhu cầu cao, người nông dân Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an toàn giúp gia tăng thêm giá trị cho nông sản.

Mặt hàng rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU... Sản phẩm rau củ quả Việt từng bước ghi được dấu ấn, tạo được uy tín trên thị trường thế giới. “Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu của rau củ quả trái cây Việt Nam”, Vinafruit nhận định.

Rảo cản trong xuất khẩu rau củ quả

Tìm được thị trường cho xuất khẩu rau củ quả đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Bởi vậy, giới chuyên gia đưa ra khuyến cáo, để rau quả Việt có thể giữ vững được thị phần tại những thị trường đã chạm được chân tới, một trong những yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi, tất cả những thị trường hiện nay đều rất khắt khe, có những yêu cầu cao về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.

Để rau quả Việt đứng vững chân và phát triển thị phần trong các thị trường không phải đơn giản, đặc biệt là các thị trường khó tính. Các chuyên gia khuyến nghị yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại cho rau quả Việt, đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin nhu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu của từng thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia VEPR, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu có thể nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường này đặt ra, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Rugguero Malossi, chuyên gia quốc tế, Dự án EU-MUTRAP: “Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra, hàng hóa khó có thể bước chân vào thị trường EU. Khi một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào có dư lượng thuốc đó được cho phép vào EU”

Hoặc như với thị trường châu Âu (EU), mặc dù thị trường này không quá khắt khe như những thị trường khó tính (Mỹ, Australia, Nhật Bản), song theo chuyên gia quốc tế, Dự án EU-MUTRAP cho rằng, trên thực tế, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng được các nhà nhập khẩu EU để ý rất kỹ.

Giới chuyên gia trong ngành rau quả dự đoán, với mức tăng trưởng ấn tượng của ngành rau, củ quả, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt đến con số 10 tỷ USD.

….Giải pháp vượt rào

Để tạo được sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu của ngành rau củ quả Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần đưa lĩnh vực rau quả vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia từ nay đến năm 2020.

Cùng với đó là bổ sung, hoàn thiện các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả bằng việc tối ưu hóa quy trình sản xuất công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng hệ thống phân phối cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra nước ngoài.

Đặc biệt, trên đà xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, ngành nông nghiệp cũng cần nghiên cứu, triển khai các mô hình hợp tác xã chuyên về rau quả. Đây sẽ là mô hình chủ đạo, làm đầu mối hỗ trợ và liên kết giữa người dân trồng rau quả xuất khẩu với các doanh nghiệp trong từ việc cung ứng đến bao tiêu sản phẩm.

Với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu như hiện nay, có thể nói rằng, việc phát triển rau quả sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước trong 10 năm tới cho phép phát huy các lợi thế tự nhiên là đất đai, khí hậu đặc thù của từng tỉnh, không phụ thuộc vào đất có lớn hay không, từ quy mô của vườn bên cạnh gia đình, đến vườn, trang trại trên đồi, đến đất nông nghiệp ở đồng bằng quy mô từ vài chục, đến hàng trăm ha của nông dân trong các Hợp tác xã hoặc sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp.

Mặt khác, việc chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là các loại giống rau, hoa quả trên đất lúa canh tác kém hiệu quả cũng là hướng đi mới mang lại hiệu quả cho người nông dân. Mở rộng vùng chuyên canh rau, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước đã và đang ngày càng thích nghi tốt hơn trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Quan trọng hơn nữa là khi phát triển vùng chuyên canh rau quả an toàn, hiệu quả và bền vững sẽ đáp ứng được nguồn cung cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất xuất khẩu. Nhất là khi mặt hàng rau, củ quả cần phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng, giá cả cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều thị trường khó tính.


Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, trong thời gian tới, các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm tại các thị trường sẽ ngày càng nghiêm nnặt hơn. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng; lựa chọn sản phẩm phù hợp và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh./.

Thực hiện: Nguyễn Quỳnh/ VOV.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: