» » Nhập khẩu Táo, Lê từ Hàn Quốc: Doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi chọn nhà cung cấp

Mới đây tại TP.HCM đã diễn ra “Chương trình Giao lưu thương mại Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đối với sản phẩm Táo, Lê” do VCCI phối hợp cùng KAFTA tổ chức.


Doanh nghiệp hai bên thẳng thắn trao đổi với nhau những thách thức và định hướng trong sản xuất và tiêu thụ trái cây, đặc biệt với các đặc sản đến từ Hàn Quốc. Lê và Táo Hàn Quốc bắt đầu xuất khẩu mạnh sang Việt Nam từ năm 2011.


Từ đầu năm nay, Lê Hàn Quốc dao động từ 69.000 đồng/kg (Vinmart) đến 130.000 đồng/kg (Viettrop Fruit). Táo Fuji Hàn Quốc niêm yết ở các cửa hàng hoa quả nhập khẩu với giá từ 155.000 đồng/kg (Viettrop Fruit).


Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị Big C, táo nhập từ Pháp giá 39.900 đồng/kg, táo Gala Mỹ 59.900 đồng/kg. Nhiều thời điểm trong năm, người tiêu dùng khó để tìm thấy Táo Hàn Quốc tại các hệ thống siêu thị lớn.

Hiện, mặt hàng hoa quả nhập khẩu mỗi nơi bán một giá khác nhau. Đặc biệt, các cửa hàng hoa quả nhập khẩu thường có giá đắt gấp đôi so với siêu thị.

Chênh lệch về giá tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm ngoài nguyên nhân bù trừ rủi ro trong quá trình vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ, được nhận định xuất phát từ khác biệt ở nguồn cung cấp và mỗi nhà nhập khẩu sẽ có tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm và sản lượng khác nhau.

Số liệu cung cấp từ KAFTA - Hàn Quốc cho thấy có đến trên 64 nhà cung cấp riêng cho 2 sản phẩm này, chưa tính đến số lượng các hộ sản xuất trực tiếp và mạng lưới thương lái lớn tại đây. Nhà nhập khẩu được khuyên nên rà soát cẩn thận các nhà cung ứng để tìm được địa chỉ uy tín và có giá bán cạnh tranh hơn.

Trả lời cho câu hỏi về giá bán của sản phẩm Hàn Quốc so với sản phẩm cùng loại của một số quốc gia, ông Lee Sun Nyeong – Chủ tich Hội Doanh nghiệp Táo, Lê Hàn Quốc; Giám Đốc Điều hành Công ty Hyunjin World cho biết: Tại thị trường Hàn Quốc, giá của các sản phẩm Táo, Lê nội địa cũng đang cao hơn so với các sản phẩm cùng loại từ New Zealand, Mỹ và thấp hơn so với Nhật Bản. Trong khi Mỹ, New Zealand có diện tích canh tác lớn và đặt mục tiêu cao về sản lượng, thì diện tích cho Lê, Táo của Hàn Quốc nhỏ hơn rất nhiều, tuy nhiên chất lượng là mục tiêu hàng đầu.

Bên cạnh đó, chi phí cao do kỹ thuật canh tác nghiêng về truyền thống của người dân Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc hiện sản lượng Lê từ năm 2008 diện tích canh tác giảm 38,5% trong khi đó diện tích canh tác Táo tăng 11% và sản lượng tăng 22,3%.”

Đại diện các doanh nghiệp Táo, Lê Hàn Quốc cũng đã giải đáp cho doanh nghiệp Việt Nam về trường hợp trái cây xuất khẩu từ Hàn Quốc chưa đúng kích thước yêu cầu và xảy ra tình trạng hư hỏng trên một số lượng lớn sản phẩm gần đây. Đại diện doanh nghiệp cho biết không chỉ riêng Táo, Lê, các loại trái cây xuất khẩu khác của Hàn Quốc đều được xuất khẩu nhiều size khác nhau, do đó sẽ rất khó khăn khi đối tác chỉ có yêu cầu một size nhất định. Chất lượng là yếu tố hàng đầu được phía các nhà xuất khẩu trái cây Hàn Quốc quan tâm, tuy nhiên hiện tại các hộ sản xuất tại Hàn Quốc với những cách thức canh tác riêng, quá trình bảo quản tại hộ sản xuất đến các kho tập trung của thương lái cũng có nhiều khác biệt.

Do đó, nhà nhập khẩu cần chọn lọc và tìm hiểu thông tin của các nhà cung ứng, nguồn gốc sản phẩm, đồng thời bổ sung các điều kiện về kích cỡ, chất lượng sản phẩm nhập khẩu trong tất cả các hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và thị trường tiêu dùng.

Đối với Lê Hàn Quốc, sản phẩm này được trồng chủ yếu tại 3 tỉnh Jeonnam, Gyeonggi, Chungnam (các tỉnh chiếm 64% trên tổng sản lượng)

Đối với Táo Hàn Quốc, lưu ý các sản phẩm được trồng chủ yếu tại các khu vực Gyeongsangbuk-do Andong; Gyeongsangbuk –do Ching Chung Gyeongjubuk, Yeongju; Gyeongsangbuk-do Metropolitan City; Chungcheongbuk-do Chungju: tỉnh Gyeongsangbuk chiếm 55,1% tổng sản lượng.

Để đẩy mạnh yếu tố đồng nhất về chất lượng xuất khẩu từ nông trại đến bàn ăn, phía các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ mong muốn được hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các đối tác tại Việt Nam. Trong tương lai hai bên có thể hình thành liên minh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.


Nhấn mạnh về những lưu ý và cơ hội hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ trái cây đặc sản, ông Nguyễn Hữu Trí – Tổng Giám Đốc TRIVIE cho biết: “Đối tác Hàn Quốc đang sản xuất với những quy chuẩn cao về nông nghiệp, tuy nhiên phần lớn sản lượng có được phụ thuộc vào nhiều thành phần cá thể, chủ yếu từ các hộ nông dân, chưa mang tính tập trung lớn, do đó chất lượng sẽ chưa đồng đều, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải đánh giá từng nhà cung cấp. Trong cách làm việc từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, chúng ta chưa thấy được nhiều về cách họ quản lý về chất lượng sản phẩm, do đó các doanh nghiệp ở Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về chứng chỉ chất lượng của đối tác khi nhập khẩu”

Rất nhiều cơ hội cho hợp tác giữa 2 bên về công nghệ và thị trường, một trong số đó là cơ hội cho thị trường 2 chiều: Hàn Quốc đang đẩy mạnh tìm các trái cây mà Việt Nam có thế mạnh lớn như Xoài, Tắc, Chanh,…

Doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ mong muốn được liên minh nông nghiệp với Việt Nam để giảm sức cạnh tranh, cụ thể giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng đề ra các tiêu chí về chất lượng, giá cả và nguyên tắc phân phối, từ đó các nhà doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đến sản phẩm Hàn Quốc nhiều hơn bên cạnh các nước xuất khẩu trái cây mạnh như Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand…

Việt Hùng (Diễn đàn doanh nghiệp)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: