Đã có quá nhiều so sánh chính sách mía đường của Việt Nam và Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu mía đường lớn nhất khu vực ASEAN, để thấy, một phần nguyên nhân ngành mía đường không thể cạnh tranh trên sân nhà xuất phát từ những chính sách chưa phù hợp.
Đường vừa sản xuất xong đang lưu kho. Ảnh: NH
Theo những phân tích này thì ngành mía đường Thái Lan lớn mạnh và làm khuynh đảo thị trường đường trong khu vực những năm qua là nhờ chính sách bảo hộ của chính phủ. Cụ thể, trong nhiều nay, Thái Lan duy trì chính sách hỗ trợ ngành mía đường dưới nhiều hình thức như đưa ra mức giá cố định, phân chia thị trường, hỗ trợ tài chính, tài trợ nợ vay… Cũng có ý kiến cho rằng, ngành mía đường Thái Lan lớn mạnh một phần nhờ quốc gia này có đạo luật về đường và mía từ năm 1984.
Ngược lại, về phía Việt Nam, chính sách hỗ trợ cho ngành mía đường trong nước gần như không nhiều. Vì thế, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã nhiều lần kiến nghị, để hỗ trợ các nhà máy đường, đặc biệt là nông dân trồng mía, Việt Nam cần giữ mức thuế 5% đối với đường nhập khẩu thay vì đưa về mức 0%.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để vẽ ra bức tranh tổng thể về ngành mía đường của hai nước.
Tại hội thảo Tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam tại Phan Thiết vào tháng 8 vừa qua, một chuyên gia đến từ Thái Lan thừa nhận có những vấn đề trên nhưng vị này cũng cho biết thêm, ngành đường Thái Lan vượt lên các nước trong khu vực là một phần nhờ công nghệ lai tạo giống mía của họ hơn hẳn các nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, ở Thái Lan, cây mía không chỉ sản xuất ra đường mà có thể làm được nhiều sản phẩm khác nữa như mật rỉ đường, nước đóng chai, sản xuất điện từ bã mía…. Điều này, làm cho chi phí giảm nên tăng được tính cạnh tranh (về giá bán).
Vị này cũng nói thêm, chính sách bảo hộ của Thái Lan kéo dài nhiều năm qua, điều này, giúp ngành mía đường nước này lớn mạnh trước khi tham gia vào sân chơi chung, còn Việt Nam muốn bảo hộ trong bối cảnh hiện nay chỉ là giải pháp tình thế và chắc chắn không thể kéo dài vì quá trình toàn cầu hóa nên việc xóa bỏ hàng rào thuế quan đang là xu hướng chung chứ không như mấy chục năm trước.
Có thể, sau những cân nhắc, Chính phủ sẽ có chính sách để bảo hộ ngành mía đường như giữ mức thuế 5% sau năm 2018 nhưng theo nhiều chuyên gia, đó không phải là giải pháp lâu dài. Do đó, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, điều cần bây giờ là sớm có những chính sách mới để các nhà máy đường có thể tái cấu trúc nhằm giảm chi phí đầu vào, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía hơn là một chính sách bảo hộ vốn đang đi ngược xu thế hiện nay.
Bá Tiến (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: