Nhiều năm qua người trồng sắn ở Kon Tum luôn lo sắn rớt giá, tư thương ép giá và bị nhà máy trừ tạp chất, trừ trữ lượng tinh bột thiếu công bằng.
Sau gần 1 năm chăm sóc, chờ đợi, ngược lại với kỳ vọng, hàng chục nghìn hộ trồng sắn ở tỉnh Kon Tum đang bước vào vụ thu hoạch mới với bộn bề nỗi lo. Người dân lo sắn rớt giá, lo tư thương ép giá, rồi lo bị nhà máy trừ tạp chất, trừ trữ lượng tinh bột thiếu công bằng. Những nỗi lo này của người trồng sắn ở Kon Tum đã tồn tại nhiều năm qua mà chưa được tháo gỡ.
Vừa bán xong 70 tấn sắn tươi cho Nhà máy chế biến của Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum, anh Phạm Minh Long, ở thôn Bình Trung, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết, để trồng được 2ha sắn, gia đình anh phải đầu tư không dưới 10 triệu đồng cho công cày cuốc đất và phân bón.
Nông dân huyện Sa Thầy thu hoạch sắn trong nỗi lo rớt giá.
Rồi đến lúc thu hoạch, tiền thuê công nhổ, công vận chuyển đến nhà máy mất thêm hơn 400.000 đồng một tấn. Với giá nhà máy thu mua đầu vụ chỉ 1.550 đồng một kg sắn tươi, trừ các khoản chi phí chẳng còn lại bao nhiêu.
“Với mức giá như hiện nay, người trồng sắn không còn lời lãi bao nhiêu so với công cán, đó là chưa kể tiền xe, phân bón đầu tư từ khi trồng đến lúc thu hoạch”, anh Long cho biết.
Cùng với nỗi lo rớt giá năm thứ hai liên tiếp, hàng chục nghìn hộ dân trồng sắn ở Kon Tum còn những nỗi lo khác. Đó là tình trạng ở các huyện xa, như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắc Glei…tư thương ép giá thu mua mỗi kg chỉ còn vài trăm đồng. Cùng với đó là tình trạng không ít nhà máy trừ tạp chất, đánh giá trữ bột mà theo người dân là thiếu công bằng, phần thiệt luôn thuộc về họ.
Cho biết về cách nhà máy trừ phần trăm do củ nhỏ và trừ tạp chất lẫn trong củ sắn của nông dân, anh Đồng Đức Khôi ở huyện Sa Thầy bày tỏ, theo nguyên tắc của nhà máy củ nhỏ trừ 6% nhưng người dân bán vào, củ lớn cũng bị trừ 6%, trừ thêm tạp chất của mì là đất hoặc bẩn. “Sắn nhà khi bán bị trừ 13% trong khi đa phần là củ to không có củ nhỏ. Có gia đình bị trừ tỷ lệ lên đến 50%, khiến mỗi tấn sắn đưa vào chỉ được tính còn 5 tạ”, anh Khôi bất bình.
Tìm hiểu thực tế tại một số nhà máy đang thu mua, chế biến sắn ở tỉnh Kon Tum cho thấy, việc đánh giá trữ lượng tinh bột hay tạp chất đều do nhân viên nhà máy đảm nhiệm, người bán sắn nguyên liệu hầu như chỉ biết “bảo sao nghe vậy”. Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương cũng chưa có hình thức giám sát để bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
Trong khi đó, một lãnh đạo Nhà máy chế biến tinh bột sắn thừa nhận, việc trừ tạp chất được thực hiện một cách rất cảm quan. “Đánh giá tạp chất sắn vẫn ở dạng là cảm quan, tùy theo các xe giao sắn có ít hay nhiều đất, cát dính kèm”, vị này nói.
Theo ông Nguyễn Viết Liệu, Giám đốc Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, muốn có sự công bằng trong thu mua và giảm bớt được nỗi lo cho người trồng sắn, cùng với tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành chức năng, cần phải gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân và ngược lại.
“Nhà máy phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, trong hợp đồng phải có ấn định giá sàn sản phẩm theo từng năm và giá thu mua theo thời điểm hiện tại nhưng không được thấp hơn giá sàn tạo điều kiện cho bà con yên tâm để đầu tư sản xuất sắn”, ông Liệu cho hay.
Với 40.000ha, ở tỉnh Kon Tum sắn là cây trồng có diện tích lớn thứ hai chỉ sau cây cao su. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến đang hoạt động và 2 nhà máy trong quá trình xây dựng. Thế nhưng đến nay hầu hết diện tích người dân tự trồng, tự bán, giá cả bấp bênh trôi nổi theo thị trường.
Nếu những nỗi lo cũ với cây sắn ở địa phương này không được tháo gỡ, giải pháp không được triển khai thực hiện kịp thời thì những tiên liệu không tốt, như vỡ quy hoạch vùng sản xuất, tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí là liên kết ép giá nông dân là điều hoàn toàn có thể xảy ra./.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Không có nhận xét nào: