Lỗ 3 - 4 vụ mới thắng một vụ là thực trạng khá phổi biến nhiều năm qua đối với bà con nuôi tôm tại Đồng bằng Sông Cửu Long tất cả chỉ vì giống không đảm bảo chất lượng. Trong khi, số lượng doanh nghiệp cung cấp giống tôm cứ mọc lên nhan nhản nhưng có cơ chế kiểm soát chất lượng thì vẫn thả lỏng.
Cả nước hiện có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, cung cấp hơn 100 tỷ tôm giống mỗi năm cho hơn 600.000ha nuôi tôm trong cả nước.
Sản xuất tôm giống tại Công ty Phương Nam (Thái Thụy, Thái Bình).
“Loạn” chất lượng
Ông Đào Công Minh, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cho biết, vụ tôm đầu năm, có một vài nhân viên tiếp thị của Công ty T.Đ ở Khánh Hòa đến tận ao tôm của ông chào mời tôm giống tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc nhập từ Mỹ. Vì nuôi theo mô hình bán thâm canh (mật độ thả 60 con/m²), ông Minh quyết định mua 100.000 con giống giá 45 đồng/con, thế nhưng trong quá trình nuôi nhận thấy tôm chậm lớn, sau gần 3 tháng mà cân 90 - 95 con/kg coi như thất bại, gây thiệt hại cho hộ gia đình.
“Sau này, tôi biết có nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng mua tôm bố mẹ từ Mỹ về nhưng cho sinh sản quá thời gian quy định, thậm chí là trà trộn tôm giống từ nguồn tôm bố mẹ tự nhiên, dẫn tới tôm nuôi không lớn hoặc nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc lựa chọn tôm giống lại không thể phân biệt bằng mắt thường”, ông Minh nói.
Không phải là trường hợp duy nhất, việc mua phải tôm giống kém chất lượng gây thiệt hại cho sản xuất là câu chuyện phổ biến của người dân ĐBSCL. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết, năm nay, ông đã nghỉ nuôi sau khi mất trắng 5 tỷ đồng vào năm ngoái: “Nuôi tôm mừng tính theo ngày, nhưng lo thì tính từng giờ, bởi từ khi tôm xuất hiện bệnh đến khi chết trắng ao chỉ trong vòng một tiếng. Nuôi tôm nếu được 60 - 70 ngày mới tính đến chuyện có lời, nuôi 30 ngày may lắm mới chỉ đủ trả tiền thức ăn cho đại lý, nếu như dịch bệnh thì mất trắng”.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học và người nuôi tôm, con giống quyết định từ 55% đến 70% tỉ lệ thành công của vụ nuôi. Điều này dẫn tới thực trạng, người dân, nuôi tôm chỉ đạt hiệu quả 25-30%, tức là phải lỗ 3-4 vụ mới thắng được 1 vụ.
Từ 5 doanh nghiệp nhập khẩu tôm bố mẹ để sản xuất tôm giống là Công ty Việt Úc, CP Thái Lan, Thông Thuận, Uni-President VN và Thiên Phú, đến nay đã có hàng loạt doanh nghiệp khác cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, người dân vẫn nhập phải nguồn giống kém chất lượng.
Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch Tập đoàn Việt-Úc cho biết, mấu chốt quyết định chất lượng tôm giống nằm ở chất lượng tôm bố mẹ, các điều kiện nghiêm ngặt về quy trình sản xấu, an toàn sinh học mà không phải đơn vị nào cũng làm được.
Theo ông Tuấn, tôm bố mẹ tại Việt Nam có nguồn khai thác tự nhiên và nguồn nhập từ ba thị trường là Hawaii (Mỹ), Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên, có được tôm bố mẹ chất lượng lại chưa phải là yếu tố tiên quyết. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ chưa đảm bảo được quy trình và các điều kiện ngặt nghèo trong ươm tạo, hoặc thậm chí vì lợi nhuận mà kéo dài thời gian đẻ của tôm giống vốn từ 3 tháng lên 6-12 tháng làm giảm chất lượng hoặc lây nhiễm bệnh cho tôm giống.
"Hậu quả người dân sẽ “lãnh đủ” bởi khi vẫn ở dạng con giống rất nhỏ mắt thường không thể phát hiện ra mầm bệnh. Sau khi nuôi thả, bệnh mới phát tán nhanh, gây thiệt hại cho người nuôi. Đặc biệt, nguy cơ lây lan bệnh dịch ra toàn vùng là rất lớn", ông Tuấn nói.
Phải quản chặt từ nguồn
Phó TGĐ Tập đoàn Việt-Úc kiến nghị, sản xuất tôm giống cần được quy định là ngành kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong sản xuất tôm giống, từ chất lượng tôm bố mẹ đến các điều kiện an toàn dịch, quy trình sản xuất…
Thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể cho quy trình sản xuất tôm. Việc quản lý mới dựng lại ở chốt chặn là chọn mẫu kiểm dịch mẫu tôm giống. Tuy nhiên, đây đã là bước cuối cùng của quá trình sản xuất, mẫu chọn ngẫu nhiên không thể đại diện hết cho lứa tôm giống được sản xuất, gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp và người nuôi.
Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng: "Thay vì kiểm tra “phần ngọn” như hiện nay thì phải có các biện pháp kiểm soát từ nguồn. Trực tiếp kiểm tra, giám sát các quy trình, quy chuẩn sản xuất tôm giống tại cơ sở sản xuất thay vì phương pháp chọn mẫu kiểm định có tính rủi ro cao. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chủ động nguồn tôm bố mẹ".
Con giống được ví như nền móng giúp xây dựng ngành tôm phát triển bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đang kỳ vọng vào những chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống, đưa giống mới và tiến bộ khoa học công nghệ từ nước ngoài vào áp dụng trong nước. Mục tiêu mang tính chiến lược là đến năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi tôm.
Thy Hằng (enternews.vn)
Không có nhận xét nào: