» » » Làm sao để rau quả Việt 'cắm rễ' trên 'đất màu'?

Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng cao, tuy nhiên rau quả Việt hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và khó “chen chân” được vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Hiệp hội rau quả Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả trong 7 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đã vượt nhiều mặt hàng chiến lược như gạo, dầu thô.

Rau quả Việt hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc

Trung Quốc “đạo diễn”

Đặc biệt, trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả 7 tháng đạt hơn 2 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 1,5 tỷ USD, tương đương trên 75%, con số này 7 tháng đầu năm 201673%.

Có thể thấy, rau quả Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Nói cách khác, một thị trường dễ dãi, giá trị thấp song nhiều rủi ro lại đang “đạo diễn” nông sản Việt. Từ năm 2014, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc mới ở mức hơn 430 triệu USD, đến năm 2015 đã tăng lên 1,2 tỷ USD và năm 20161,7 tỷ USD. Như vậy, tỷ lệ xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam 4 năm trở lại đây đã tăng từ 30% lên 60% và hiện nay là gần 80%.

Phải nói thêm, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lại chủ yếu qua đường tiểu ngạch do đó khi được mùa rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc lại rớt giá. Ngay cả xuất khẩu chính ngạch, nước này cũng thường áp dụng nhiều biện pháp phi thuế quan, với những chính sách hỗ trợ nông nghiệp nội địa được đánh giá là không rõ ràng, thiếu minh bạch. Đặc biệt, Trung Quốc vẫn thực thi các chính sách thương mại nông sản đơn phương, duy trì thương mại nhà nước, bảo hộ cao với những mặt hàng nông sản kém cạnh tranh của họ, làm tăng rủi ro và chi phí cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường này.

Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh lượng hàng, giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này, nhằm hạn chế hoặc duy trì lượng hàng từ Việt Nam sao cho có lợi nhất cho phía Trung Quốc, minh chứng rõ ràng nhất là hàng loạt những cuộc “giải cứu” dưa hấu, chuối, vú sữa, thanh long…thời gian gần đây.

Như vậy, thị trường xuất khẩu nhiều rủi ro như Trung Quốc lại đang chiếm tỉ trọng lớn và tăng mạnh qua các năm. Trong khi đó, rau quả Việt xuất sang Mỹ, Nhật, những thị trường có giá trị cao, nhiều mặt hàng được các nước ưu đãi nhập khẩu như thanh long, chuối... chỉ chiếm chưa đầy 6% tổng kim ngạch.

Chưa “chen chân” vào Mỹ, Nhật

Trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà chưa “chen chân” được vào các thị trường khó tính kể trên, ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á – Thái Bình Dương nhận định, Mỹ, Nhật Bản vẫn được biết đến là thị trường khó tính và khắt khe nhất thế giới, không dễ gì thâm nhập, nhất là với các mặt hàng nông sản.

“Giá hàng hóa nông sản ở các thị trường này rất đắt, cao hơn gấp nhiều lần so với hàng cùng loại nhập khẩu từ một số nước khác nên Chính phủ dựng rào cản lớn để bảo hộ sản xuất nội địa. Nông sản Việt Nam, cụ thể là rau củ, trái cây nhiệt đới, rất khó chen chân vào Nhật vì không thể vượt qua các vòng “sát hạch” gắt gao”- ông Hải cho biết. 

Chia sẻ với DĐDN, TS.Hoàng Thị Lệ Hằng- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, rau quả Việt khó có cửa vào các thị trường khó tính, bởi các thị trường này đòi hỏi vấn đề truy xuất nguồn gốc, dư lượng chất bảo vệ thực vật rất khắt khe, trong khi đó những vùng nguyên liệu của Việt Nam đảm bảo tiêu chí này rất ít. Đặc biệt như Mỹ có cả danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cấm hay dư lượng kim loại nặng, nhiều loại kim loại này có ngay cả trong đất trồng của Việt Nam. 

Cùng với đó, những nguyên liệu sử dụng cho đóng gói sản phẩm rau quả như màng co, Việt Nam cũng phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, gây đội giá thành và nguy cơ mất an toàn do không đảm bảo nguồn gốc. Quy trình bảo quản cũng chưa đảm bảo được yêu cầu để giữ chất lượng sản phẩm tới các siêu thị khó tính. Đặc biệt, khi các thị trường này đòi hỏi sản phẩm chất lượng kèm sản lượng nhập khẩu ổn định thì vùng nguyên liệu sản phẩm của Việt Nam lại không đáp ứng được tính đều đặn.

“Vừa qua Viện rau quả đã hỗ trợ một doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Đông và Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, những sản phẩm thu mua không đảm bảo về độ dài, màu sắc, hình dáng cong thẳng…như đối tác yêu cầu. Dẫn tới nông dân bán chuổi rất rẻ ngoài chợ nhưng doanh nghiệp lại không có đủ nguyên liệu để xuất đi”- TS Hằng chia sẻ. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Cao Huy Bảo –Giám đốc điều hành Công ty TNHH La Fresh Đà Lạt, một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mứt, nước hoa quả sang thị trường Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng, các sản phẩm tinh, có giá trị cao để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn không phải doanh nghiệp nào cũng sản xuất được. Cùng với đó, chi phí vận chuyển xa, đòi hỏi kỹ thuật bảo quản cũng là rào cản đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, để xuất khẩu được sản phẩm vào các thị trường này đòi hỏi yêu cầu thủ tục, an toàn thực phẩm rất khắt khe…điều này thì doanh nghiệp Việt còn yếu.

“Trái cây Việt không thể “phủ sóng” những siêu thị ngoại danh tiếng cũng như khẳng định thương hiệu nếu vẫn duy trì tính dễ dãi trong sản xuất”- CEO La Fresh thẳng thắn nói.

Ông Võ Quan Huy, Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, thường được nhắc đến với tên “vua chuối” cũng từng chia sẻ, trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đển kiểm tra độ an toàn, lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý- hóa sinh nhẳm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn sạch- đẹp- ngon tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng. 

Chế tài cho liên kết

Việt Nam hiện đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 5 Hiệp định mới với trên 50 quốc gia và nền kinh tế, do đó chuyên gia nhận định, rau quả Việt có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, xâm nhập các thị trường khó tính nâng tầm thương hiệu rau quả Việt. Để làm được như vậy, TS. Hoàng Thị Lệ Hằng cho rằng, rau quả Việt cần phải giải quyết những 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, đảm bảo giống cây sạch, chất lượng và năng suất. Bà con đang nhập khẩu cây giống từ các nước, về lâu dài Việt Nam phải có các trung tâm nghiên cứu và phát triển cây giống để cung cấp cho nông dân. 

Thứ hai, tăng cường đào tạo, quản lý quy trình sản xuất rau quả an toàn cho người nông dân, hiện tại phần lớn bà con sản xuất theo thủ công truyền thống hoặc tự mày mò. 

Thứ ba, khuyến khích đầu tư vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc thù của rau quả là tính thời vụ ngắn, nếu sau thu hoạch không bảo quản tốt thì có để tiêu thụ trong nước.

Đặc biệt, theo TS Hằng, cần có sự tham gia của chính quyền vào mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Bởi một thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có hướng bao tiêu sản phẩm cho người dân, vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của bà con, vừa đảm bảo sản lượng để doanh nghiệp xuất khẩu cho đối tác, tuy nhiên “dân” hay đi liền với “gian”, do đó đã có nhiều doanh nghiệp thiệt hại khi bị người dân đơn phương chấm dứt cam kết khi giá thương lái bỗng tăng cao hơn. 

“Cần có chế tài xử phạt đảm bảo mối liên kết hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp, nhằm tránh những cuộc giải cứu khi được mùa mất giá, cũng như xây dựng uy tín và thương hiệu rau quả Việt trên trường quốc tế”- TS Hằng nhấn mạnh.

Thy Hằng (Diễn đàn doanh nghiệp)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: