» » » Hà Giang: Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ

Chiều 22/9, tại trung tâm huyện Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ (Hà Giang).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và các đại biểu thăm quan sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ.

Hà Giang không chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán, những lễ hội phong phú, những dãy núi đá… mà Hà Giang còn là một mảnh đất với nhiều sản phẩm và sản phẩm đặc sản truyền thống. 

Nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang đã được bảo hộ thương hiệu như: Mật ong Bạc Hà của Cao nguyên đá Đồng Văn, cam sành Hà Giang, chè Hoàng Su Phì…

Các thương hiệu này đã phát huy hiệu quả kinh tế sau khi được bảo hộ, đặc biệt là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi khi giá thành sản phẩm tăng từ 2 - 2,5 lần. 

Theo ông Nguyễn Chí Thâm, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: Cây Hồng không hạt đã được bà con dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ trồng từ hàng chục năm nay. 

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ có gần 100 ha. Trong đó, có gần 60 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 560 tấn quả/năm

Quả hồng không hạt có hình dạng tròn đều, màu vàng sáng hơi bóng; tai quả to, độ ngọt sau ngâm ngọt dịu, trọng lượng 20 -25 quả/kg; nhiều đường cát, có ít vết đốm…

Với nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nên giá thành quả hồng không hạt Quản Bạ tiêu thụ ngoài thị trường tương đối ổn định và đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân. 

Sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ.

Với những giá trị kinh tế và đặc thù sản phẩm nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nhận hỗ trợ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ vào tháng 7/2017.  

Đây là công cụ hữu hiệu bảo vệ người sản xuất, chống các hành vi gian lận thương mại, đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; đồng thời giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một đặc sản của tỉnh Hà Giang, một sản phẩm được người dân sản xuất trên khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của Hà Giang sau mật ong Bạc Hà và cam sành Hà Giang, đưa Hà Giang trở thành một trong những địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học cho rằng đây là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể của tỉnh Hà Giang trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng cũng cho rằng, để phát triển chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức và người dân có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả. 

Hà Giang cần tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công đoạn sản xuất và bảo quản. 

Các tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang cần phát huy được giá trị sau khi được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững. 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững cây đặc sản hồng không hạt, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo huyện Quản Bạ cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng quản lý hồng không hạt Quản Bạ, nhằm giữ vững chất lượng; đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển bền vững. 

Các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh cần giám sát kỹ quy trình kỹ thuật trồng hồng, quản lý chất lượng hồng không hạt. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm hồng không hạt. 

Đặc biệt, bà con các dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ và các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng hồng không hạt để nâng cao giá trị, phát triển bền vững hồng không hạt Quản Bạ mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.

Tin, ảnh: Minh Tâm (TTXVN)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: