Là vựa lúa lớn nhất của đất nước xuất khẩu gạo hàng nhất thế giới, ĐBSCL chẳng những lo an ninh lương thực cho quốc gia mà còn góp phần giảm đói nghèo cho thế giới. Dù vậy, đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu và xu hướng sản xuất nông nghiệp, người dân tại đồng bằng châu thổ này vẫn chưa giàu lên từ cây lúa.
Cây lúa ĐBSCL đang đứng trước cơ hội phát triển sau năm APEC Việt Nam 2017. Ảnh: P.V
Nông nghiệp đồng bằng đang đứng trước thách thức lớn
Ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - người được mệnh danh là nông dân số 1 đồng bằng - mấy năm nay đã chuyển một phần diện tích sang nuôi bò, trồng chuối. Là người gắn bó với cây lúa trên 40 năm, ông có góc nhìn thẳng thắng “Cây lúa đồng bằng bây giờ dù năng suất có cao, nhưng chất lượng kém, giá thấp, trong khi đó giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công lao động liên tiếp tăng khiến người trồng lúa không còn lãi như trước”.
Một thời gian dài, ĐBSCL chú trọng đến năng suất cây lúa, điều này làm cho sản lượng lúa liên tiếp tăng cao. Tỉnh thấp nhất là Cà Mau cũng gần 1 triệu tấn/năm. Dù vậy hạt gạo Việt Nam chưa bao giờ là thương hiệu mạnh ở thị trường thế giới.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - người sở hữu nhiều dòng lúa thơm ST - quê ở Sóc Trăng trăn trở: “Mình sản xuất lúa thơm cách đây nhiều năm rồi. Lúc ấy đang trong giai đoạn cần năng suất, trong khi lúa thơm năng suất thấp, mỗi năm sản xuất được chủ một vụ nên cũng không ít bầm dập. Thế nhưng, bây giờ tìm đất rộng, đất sạch để trồng lúa thơm không phải chuyện dễ”. Hiện tại ông Cua nghiên cứu các giống lúa thơm với nhiều chủng loại, đáp ứng đa dạng thị trường.
Cơ hội nông nghiệp đồng bằng ở phía trước
Không có tham vọng vẽ lại bản đồ phát triển nông nghiệp ĐBSCL, nhưng việc Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh chọn sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp; quy hoạch tiểu vùng trong toàn vùng ĐBSCL cho thấy người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam đã chú trọng đến nông nghiệp đồng bằng.
Bên cạnh đó, hàng loạt những chính sách có hướng mở cho phát triển nông nghiệp như cho phép mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Một thực tế khác, ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ - cho rằng biến đổi khí hậu đã hiển hiện rõ từng ngày như sạt lở, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và không theo quy luật. Cần Thơ cũng quy hoạch lại từng vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, hoa màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tại Bạc Liêu, Cà Mau, mô hình lúa - tôm được mở rộng sản xuất lên đến trên 50.000ha. Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo môi trường sinh thái.
Tại hội nghị Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng nguồn lợi có trách nhiệm để thúc đẩy sản xuất lương thực và thương mại nông sản bền vững diễn ra ngày 24.8 tại Cần Thơ, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên - Môi Trường Trần Hồng Hà nêu, giờ đây chúng ta đang sống trong một thế giới mà các tài nguyên như đất, nước, biển và rừng đang trở nên ngày càng quý hiếm do tác động của tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng, xu hướng đô thị hóa diễn ra ở mọi nơi, gia tăng nhanh chóng cả về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và cả những bất ổn khác đang thách thức tăng trưởng và phát triển của khu vực và toàn cầu khác.
Bộ trưởng Bộ TNMT cho rằng: “Không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mọi nỗ lực của các chính phủ sẽ trở nên đơn độc và yếu ớt. Mô hình hợp tác công tư đem lại những lợi ích lâu dài, tối đa hóa hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và khu vực tư nhân, tạo ra những sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực giúp huy động các nguồn lợi xã hội”.
Tuần lễ an ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP.Cần Thơ trong khuôn khổ Năm APEC 2017 mở ra cơ hội để đồng bằng phát triển. Tại đây, Bộ NN&PTNT - đại diện là Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) - đại diện là Ông Peter Horne, Tổng Giám đốc Chương trình Quốc gia ACIA ký kết “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp”. Hai bên đã thống nhất một chiến lược hợp tác 10 năm, trong đó có định hướng về các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, các khu vực địa lý tập trung, và những ưu tiên tài trợ cho chương trình nghiên cứu giai đoạn 2017-2027.Các nền kinh tế thành viên APEC cũng quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL nhất là trong nghiên cứu giống, chế biến nông, thủy sản, giảm chi phí thất thoát sau thu hoạch. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang đã bắt đầu chú ý đến việc chế biến sản phẩm từ hạt gạo. GS Võ Tòng Xuân nhận định: “Lâu nay chúng ta trú trọng đến xuất khẩu gạo, ít chú ý đến chế biến xuất khẩu những mặt hàng từ gạo. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào các loại sản phẩm từ gạo giá trị sản xuất sẽ tăng rất cao so với xuất khẩu thô hạt gạo”.
Nhật Hồ - Trần Lưu (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: