Những ngày này, hai bên đường Quốc lộ 1B đoạn qua xã La Hiên (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), những gánh, bàn, quầy tạm giới thiệu đặc sản na dai địa phương mọc lên san sát, kéo dài cả cây số.
Phân loại, đóng gói na La Hiên trước khi đưa đi tiêu thụ.
Những khoảng đất trống, mặt tiền những ngôi nhà ven lộ trở thành nơi tập kết na, tấp nập người vào ra, xe chở hàng biển số Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên... đầy ắp những thùng na được đóng gói cẩn thận bon bon về xuôi... báo hiệu mùa na dai ở miền đất vùng cao La Hiên bắt đầu.
Với thổ nhưỡng vùng cao núi đá thích hợp cho phát triển cây na và sớm áp dụng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình chuyên canh, từ hàng chục năm trở lại đây, La Hiên đã trở thành vùng trồng na lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Tổng diện tích na đang cho thu hoạch lên tới hơn 230 ha. So với các vùng trồng na khác trong tỉnh, na La Hiên có quả to đều, vị ngọt đậm thơm, thanh, mát, ít hạt, vỏ mỏng. Chính yếu tố đăc trưng này giúp quả na La Hiên luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Hiên cho biết, địa phương hiện có 672 hộ trồng na, tập trung chủ yếu ở các xóm: Trúc Mai, Làng Lai, Hiên Bình, Hiên Minh, La Đồng… Từ năm 2013, diện tích trồng na của 2 xóm: Hiên Minh và Hiên Bình được cấp giấy chứng nhận sản xuất na theo quy trình VietGap. Nhờ cây na, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của La Hiên còn dưới 9%.
Cũng theo bà Liên, qua tính toán sơ bộ, mỗi ha na thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Riêng mùa na năm nay dù sản lượng có phần kém hơn vụ trước nhưng thu nhập từ cây na chắc chắn không dưới 40 tỷ đồng.... Nhờ trồng na, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng/năm. Khảo sát sơ bộ, địa phương có khoảng 60 hộ có thu nhập từ cây na trên 200 triệu/năm trở lên.
Thời gian tới, xã tiếp tục vận động hộ dân tận dụng diện tích đất trồng các loại cây trồng kém hiệu quả sang canh tác cây na, đưa diện tích na tăng thêm từ 30 - 40 ha, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng na với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên...
Từ năm 2016, sản phẩm na La Hiên được cấp giấy Chứng nhận bảo hộ tập thể, giúp cho loại quả đặc sản của đất vùng cao La Hiên có cơ hội lớn vào các siêu thị, cửa hàng lớn ở Hà Nội và các đô thị phía Bắc.
Vụ na năm nay, na dai La Hiên được giá với mức bán xô cả vườn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Tuy đã bước vào thời điểm chín rộ nhưng giá na vẫn duy trì ở mức cao, những nhà trồng na diện tích lớn ít phải đem ra chợ bán mà thương lái đưa xe vào tận vườn để cắt, phân loại, thu mua và đóng gói tại chỗ.
Người dân xóm Hiên Minh, xã La Hiên thu hoạch na.
Chị Trần Thị Thu Hương, một trong những hộ trồng na lâu năm ở xóm Hiên Minh chia sẻ: cách đây khoảng 20 năm nhà chị đã trồng na, lúc đầu trồng na bở sau chuyển dần sang trồng na dai. Đến nay, gia đình có khoảng 300 gốc na cho thu hoạch, toàn bộ là giống na dai và canh tác theo đúng quy trình VietGap. Cây na đã trở thành nguồn thu chính của gia đình với thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 150 triệu/năm.
Từ cây na, gia đình chị đã có nhà khang trang kiên cố, đầy đủ tiện nghi, mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất. Hiện ở xóm Hiên Minh có tới 152 hộ trồng na có thu nhập từ 80 triệu đồng/năm trở lên...
Cũng giống như gia đình chị Hương, chị Hoàng Thị Linh ở xóm La Đồng đã trồng na từ hàng chục năm nay. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, tập trung đầu tư, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, vài năm trở lại đây, gia đình chị đều có thu nhập trên 200 triệu đồng sau mỗi vụ na, trở thành hộ sản xuất giỏi của xã và huyện Võ Nhai.
Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Từ việc phát triển cây na, La Hiên đã trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế cao hàng đầu ở huyện Võ Nhai với mức thu nhập bình quân đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của toàn huyện và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vì vậy, huyện Võ Nhai đang xây dựng dự án phát triển cây na ở các xã có cùng đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp trồng cây na như: Phú Thượng, Lâu Thượng, Dân Tiến theo mô hình sản suất cây ăn quả an toàn VietGap, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún truyền thống sang hướng sản suất tập trung, an toàn, chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tin, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Không có nhận xét nào: