» » Dự báo chi phí sản xuất lúa tăng do thuế tự vệ phân bón

Việc Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu sẽ khiến giá phân bón trong nước tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa với đó là chi phí sản xuất lúa và các loại cây trồng khác sẽ tăng, theo dự báo của doanh nghiệp kinh doanh phân bón.

Vận chuyển phân bón tại một bến thuyền ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Kinh Luân.

Ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, chuyên sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phân bón cho rằng, quyết định trên của Bộ Công Thương sẽ làm cho lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu các sản phẩm này sẽ tăng lên vì phải chịu thuế tự vệ tạm thời. Như vậy, giá bán các loại phân bón này trên thị trường nội địa sẽ tăng trong thời gian tới.

Ông Hải dự báo, khoảng nửa cuối tháng 9 giá các loại phân bón DAP, MAP và NPK tại thị trường nội địa sẽ thay đổi.

Trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 24-5 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP trước khi bộ ban hành quyết định chính thức, Vinacam cho rằng việc áp dụng thuế tự vệ phân bón sẽ gây thiệt hại cho nông dân nên cơ quan quản lý cần phải tính toán kỹ.

Tuy vậy, Bộ Công Thương có những lý do để bàn hành Quyết định 3044/QĐ-BTC nhằm áp thuế tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP, MAP. Hai loại MAP và DAP được dùng bón lót, bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên tất cả loại đất khác nhau hoặc sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác như NPK.

Với việc áp thuế tạm thời này, chi phí sản xuất lúa và các loại hoa màu, cây trồng khác cũng sẽ tăng lên tương ứng. Theo bảng giá của các mặt hàng phân bón được công bố trên website của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, giá các loại DAP có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, đối với DAP hạt nâu là 8.8000 đồng/kg và DAP hạt xanh là 9.200 đồng/kg. Đây là mức giá được Bình Điền áp dụng từ ngày 2-8 và có thể mức giá này sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực (19-8). Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày ngày 6-3-2018 hoặc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Như vậy, thời gian có hiệu lức kéo dài gần 7 tháng, tức là sẽ kéo dài đến gần hết vụ đông xuân 2017-2018. Do đó, về lý thuyết, chi phí sản xuất lúa trong vụ thu đông và vụ đông xuân tới đây sẽ tăng.

Hiện tại, chi phí sản xuất lúa được quy định chi tiết trong thông tư liên tịch số 171/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT của liên bộ là Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, chi phí này tỷ lệ thuận với giá các loại vật tư, phân bón, tức là giá phân bón tăng sẽ làm cho chi phí sản xuất lúa của nông dân tăng lên tương ứng. Vì thế, nếu thời gian tới, giá lúa không tăng thì nông dân sẽ là bên chịu thiệt.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: