Nếu so với thời hạn một năm được ấn định, Bộ Công Thương đã phải cần gấp 2,5 lần thời gian ấn định để “trả bài” chiến lược xuất khẩu gạo cho Chính phủ. Cho dù vậy, vẫn còn những “vết gợn” để có thể tin rằng, chiến lược này có thể đi vào cuộc sống.
Với chức năng của cơ quan chỉ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương chỉ giới hạn công việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược lúa gạo thuộc phạm vi chức năng của mình là phát triển thị trường xuất khẩu gạo, chứ không giải quyết toàn bộ các vấn đề của chiến lược xuất khẩu gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Trước hết, dễ thấy sự khác biệt rất rõ ràng giữa “đề bài” đã được Chính phủ chỉ định với chiến lược do Bộ Công Thương dày công xây dựng vừa qua. Bởi lẽ, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ hồi đầu năm 2015, “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương... nghiên cứu, xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam...” để “...báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015”, còn chiến lược vừa được ban hành tháng 7 vừa qua lại có tên “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.
Sự khác biệt cơ bản về nội hàm ở đây chính là, với việc cấy thêm bốn từ “phát triển thị trường”, các nhà hoạch định chiến lược đã “né” tối đa nội dung sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
Điều này có thể hiểu được theo những cách khác nhau.
Trong đó, có lẽ phù hợp nhất là, với chức năng của cơ quan chỉ quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, cho nên thay vì chủ trì và phối hợp với các cơ quan, địa phương để xây dựng “Chiến lược xuất khẩu gạo”, Bộ Công Thương chỉ giới hạn công việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược lúa gạo thuộc phạm vi chức năng của mình là phát triển thị trường xuất khẩu gạo, chứ không giải quyết toàn bộ các vấn đề của chiến lược xuất khẩu gạo thông qua việc chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chiến lược lại khẳng định: giảm dần lượng gạo xuất khẩu vào năm 2020 về khoảng 4,5-5 triệu tấn với giá trị bình quân khoảng 2,2-2,3 tỉ đô la Mỹ, còn trong giai đoạn 2021-2030 tiếp tục giảm xuống 4 triệu tấn, nhưng giá trị tăng lên 2,3-2,5 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, theo các nhà hoạch định chiến lược, có bốn kịch bản về lượng, giá trị và giá gạo xuất khẩu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sau đây:
Thứ nhất, tốt nhất có lẽ là kịch bản lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt mức tối thiểu 4,5 triệu tấn/năm, nhưng giá trị đạt mức tối đa 2,3 tỉ đô la Mỹ/năm, bởi giá bình quân sẽ ở mức tối đa 511 đô la Mỹ/tấn.
Thứ hai, ngược lại, xấu nhất là lượng gạo xuất khẩu đạt mức tối đa 5 triệu tấn/năm, nhưng giá trị chỉ đạt mức tối thiểu 2,2 tỉ đô la Mỹ/năm, cho nên giá bình quân chỉ ở mức tối thiểu 440 đô la Mỹ/tấn.
Thứ ba, kịch bản trung gian có lẽ đáng mong đợi hơn là lượng xuất khẩu chỉ đạt mức tối thiểu 4,5 triệu tấn/năm, còn giá trị cũng chỉ đạt mức tối thiểu 2,2 tỉ đô la Mỹ/năm, nhưng giá bình quân cũng đạt 489 đô la Mỹ/tấn.
Trong khi bức tranh sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung vẫn đang còn trong quá trình “tư duy”, còn chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo lại “đi trước một bước” như vậy, gần như chắc chắn nó sẽ vấp phải những phiền toái không đáng có.
Thứ tư, kịch bản trung gian có lẽ ít được mong đợi hơn là lượng xuất khẩu đạt mức tối đa 5 triệu tấn/năm, còn giá trị cũng tuy đạt mức tối đa 2,3 tỉ đô la Mỹ/năm, nhưng giá bình quân chỉ đạt 460 đô la Mỹ/tấn.
Còn trong giai đoạn 2021-2030, do lượng gạo xuất khẩu chỉ “đóng đinh” ở mức 4 triệu tấn/năm, nhưng giá trị được co giãn rộng hơn trong khoảng 2,3-2,5 tỉ đô la Mỹ, cho nên chỉ có hai kịch bản về giá ở mức 575 đô la Mỹ/tấn và 625 đô la Mỹ/tấn.
Tuy chiến lược đặt ra là như vậy, nhưng nói đến thị trường xuất khẩu gạo, đương nhiên không thể không nói đến gạo xuất khẩu, cho nên những nội dung này được thể hiện trước hết trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên trong sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược với tiêu đề: “1. Tổ chức sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường”.
Trong đó, sáu trong bảy nhiệm vụ rất cơ bản mà Bộ NN&PTNT được giao thực hiện để triển khai chiến lược (ghi trong phụ lục) bao gồm: (1) Rà soát, xác định các vùng lúa có lợi thế...; xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu trong nước, thế giới và năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam; (2) Quy hoạch và tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh... phù hợp nhu cầu của thị trường nhập khẩu; (3) Chọn lọc... bộ giống lúa phù hợp điều kiện sản xuất của từng vùng... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; (4) Ban hành quy trình, ứng dụng khoa học - công nghệ...; (5) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát... ; và (6) Nghiên cứu đầu tư xây dựng phòng kiểm định chất lượng gạo... tại vùng đồng bằng sông Cửu Long...”.
Rõ ràng, với việc giao nhiệm vụ “từ A đến Z” trong tổ chức sản xuất lúa không chỉ phục vụ xuất khẩu mà cả tiêu dùng trong nước như vậy, có lẽ sẽ không quá khi nói rằng, “lâu đài” xuất khẩu gạo của chúng ta đã được dựng lên, nhưng “nền móng” của nó - việc sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hầu như vẫn chưa được xây.
Xét trên lý thuyết, có thể xảy ra ba kịch bản khác nhau. Trong đó, lý tưởng nhất là kịch bản sản xuất lúa vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa phục vụ tốt cho xuất khẩu gạo.
Thế nhưng, cũng không thể loại trừ hai khả năng rất oái oăm khác. Đó là, khi “nền móng” của nó được xây xong vào một năm nào đó chưa được ấn định, kịch bản sản xuất lúa “tréo ngoe” với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo: hoặc lượng gạo dành cho xuất khẩu (phần còn lại sau khi đã bảo đảm an ninh lương thực trong nước) lớn hơn so với những mục tiêu xuất khẩu đã được khẳng định, hoặc nhỏ hơn, thậm chí bằng không.
Trong những trường hợp như vậy, cách có lẽ nhanh gọn nhất là phải “gọt chân cho vừa giày”, bằng không thì sẽ phải điều chỉnh lại, thậm chí xóa bỏ chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Không những vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, với chiến lược này, các nhà hoạch định đã tự mâu thuẫn với chính mình khi khẳng định: đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là căn cứ để xây dựng chiến lược. Bởi lẽ, hai mục tiêu mấu chốt về lúa gạo trong đề án này là “duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu héc ta diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất”, còn sản lượng lúa thì được “đóng đinh” ở mức 45 triệu tấn vào năm 2020, ngưỡng mà nông dân nước ta đã gần chạm tới ngay tại thời điểm đề án này được phê duyệt nên đương nhiên sẽ phải xóa bỏ để xác định lại.
Nói tóm lại, trong khi bức tranh sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung vẫn đang còn trong quá trình “tư duy”, còn chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo lại “đi trước một bước” như vậy, gần như chắc chắn nó sẽ vấp phải những phiền toái không đáng có dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: