» » Rau quả xuất khẩu có thể vượt mốc 3 tỷ đô

Năm ngoái, xuất khẩu rau quả đã lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD. Năm nay xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và hoàn toàn có thể lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 6 vừa rồi, ước tính giá trị xuất khẩu rau quả là 283,037 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,681 tỷ USD, tăng tới 41,4% so với cùng kỳ 2016.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với mức tăng trưởng tới 41,4%, rau quả vẫn đang là một trong những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về giá trị xuất khẩu  Bởi phần lớn các mặt hàng nông sản chủ lực khác (trừ cao su), đều có mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu dưới 20%. Thậm chí một số mặt hàng tăng trưởng âm về giá trị xuất khẩu như tiêu, sắn. Và giá trị xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm nay đã gần bằng tổng giá trị xuất khẩu của năm 2015 (1,839 triệu USD).

Với đà tăng trưởng xuất khẩu như trên, TS Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Vinafruit, cho rằng, xuất khẩu rau quả cả năm nay hoàn toàn có thể lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD mà Bộ Công thương đã đề ra. Nếu vậy, chỉ trong vòng 2 năm liên tiếp, rau quả lần lượt vượt qua 2 mốc giá trị xuất khẩu quan trọng là 23 tỷ USD.

3 cơ sở để tin tưởng vào việc vượt mốc nói trên là mùa vụ, chất lượng và nhu cầu thị trường. Trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả hiện nay, chiếm phần lớn là trái cây. Trong đó, trái thanh long tiếp tục là số 1 khi đang chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây. Tháng 7, tháng 8 lại là thời điểm vụ thuận của thanh long, với chất lượng trái tốt.

Về thị trường, thông thường, trong những tháng cuối năm, nhìn chung các thị trường khó tính có nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Bởi nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm là để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ hội như Giáng sinh, đón năm mới … Mà trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng rất mạnh, qua đó giúp cho xuất khẩu rau quả đạt tới gần 1,7 tỷ USD. Thì xuất khẩu 6 tháng cuối năm, con số hơn 1,3 tỷ USD hoàn toàn trong tầm tay để cả năm vượt mốc 3 tỷ USD. Thậm chí, một số doanh nhân ngành rau quả cho rằng xuất khẩu cả năm có thể vượt xa hơn so với mốc 3 tỷ USD.

Việc một số loại trái cây đang có nhiều khả năng được phép xuất khẩu vào các thị trường khó tính trong nửa cuối năm nay, cũng làm tăng thêm cơ hội cho xuất khẩu trái cây nói riêng, rau quả nói chung. Như tại Mỹ, nhiều khả năng cuối năm nay, trái xoài Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… cũng đang tiếp tục xem xét mở cửa đối với một số loại trái cây Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nhân ngành hàng rau quả, thị trường không chỉ có thuận lợi, mà vẫn tiềm ẩn những khó khăn nhất định. Như ở thị trường Mỹ, thông tin từ ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám Đốc Công ty Vina T&T, cho hay, xuất khẩu nhiều loại trái cây sang Mỹ đang gặp khó khăn trong quãng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, bởi đây là thời điểm nhiều loại trái cây Việt Nam khó đảm bảo về chất lượng do mưa nhiều, đồng thời bang Florida (Mỹ) vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây nhiệt đới. Hiện nay, chỉ có trái nhãn vẫn đang được Vina T&T xuất khẩu đều sang Mỹ với số lượng 50-60 tấn/tuần. Thanh long thì chỉ xuất khẩu được một ít qua đường hàng không. Phải từ giữa tháng 10 trở đi, khi Florida hết vụ, chất lượng trái cây Việt Nam ổn định hơn, thì xuất khẩu sang Mỹ mới tăng mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, qua đó có thể ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường quan trọng bậc nhất này. Điều đáng quan tâm là rau quả Thái Lan đang có dấu hiệu “mượn” đường Việt Nam để đi sang Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, Thái Lan là nước xuất khẩu rau quả nhiều nhất vào Việt Nam với giá trị 286,867 triệu USD (tính đến hết tháng 5), tăng tới 143,31% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một doanh nhân ngành rau quả cho hay, lượng rau quả Thái Lan đang bày bán tại các siêu thị, cửa hàng, gian hàng trái cây Việt Nam lại không nhiều. Do đó, rất có thể phần lớn rau quả Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam là để đi tiếp sang Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Rau quả Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá rau quả Việt Nam ra với bạn hàng và người tiêu dùng quốc tế. Chẳng hạn, vào tháng 9, Hiệp hội và nhiều doanh nghiệp rau quả sẽ tham gia Hội chợ Asia Fruit Logistica tại Hồng Kông. Đây là hội chợ ngành rau quả tươi hàng đầu châu Á, thu hút sự tham gia của nhiều nhà xuất nhập khẩu rau quả trên thế giới.

Một thông tin đáng mừng là một số hội chợ nông nghiệp quốc tế quy mô lớn, chuyên về ngành hàng rau quả, lâu nay, chỉ tổ chức ở Thái Lan, nay cũng đang chuẩn bị tổ chức ở Việt Nam (dự kiến từ 2018) theo hướng luân phiên hàng năm giữa Việt Nam và Thái Lan. Điều này cho thấy ngành hàng rau quả Việt Nam đang ngày càng được đánh giá cao hơn trên thị trường thế giới, và đây cũng là những cơ hội tốt để xúc tiến thương mại, quảng bá cho rau quả nước ta. (TS Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Vinafruit)

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Thái Lan

Tuy Thái Lan đang xuất siêu rau quả sang Việt Nam, nhưng rau quả Việt Nam cũng có những cơ hội nhất định để thâm nhập vào thị trường này, nhất là thông qua các hệ thống siêu thị.

Hiện tại hệ thống siêu thị M&M Mega Market (trước đây là Metro), đang xúc tiến, chuẩn bị xuất khẩu nhiều loại rau quả Việt Nam sang Thái Lan. Còn vào cuối tháng 6 vừa rồi, Central Group Việt Nam, thông qua hệ thống Big C đã tiến hành xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Thái Lan. Số vải thiều này đã được bày bán tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm thuộc sở hữu của Central Group ở Thái Lan như Tops, Central Food Hall. 

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Thái Lan đạt 20,715 triệu USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan hiện là thị trường đứng hàng thứ 6 của rau quả Việt Nam và là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á.

Tăng trưởng ở phần lớn các thị trường

Trong 5 tháng đầu năm nay, phần lớn các các thị trường của rau quả Việt Nam đều có sự tăng trưởng. Trong đó, cả 10 thị trường lớn nhất đều tăng trưởng so cùng kỳ 2016.

Cụ thể: Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là 1,056 tỷ USD, tăng 50,53%; Mỹ đạt 44,66 triệu USD, tăng 23,51%; Nhật đạt 43,296 triệu USD, tăng 56%; Hàn Quốc đạt 40,377 triệu USD, tăng 14,9%; Hà Lan đạt 24 triệu USD, tăng 5,4%; Thái Lan đạt 20,715 triệu USD, tăng 12,5%; Malaysia đạt 20,624 triệu USD, tăng 8,7%; UAE đạt 16,571 triệu USD, tăng 96,3%; Đài Loan đạt 15,296 triệu USD, tăng 5,4%; Nga đạt 14 triệu USD, tăng 67,2%.

Thanh Sơn (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: