Thảo quả là cây xoá đói giảm nghèo của các gia đình người Mông. Tuy vậy, loại cây có hoa họ gừng sử dụng làm thuốc, gia vị trong nhiều món ăn đang bị mất mùa.
Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có hàng nghìn hecta thảo quả. Loài cây này giúp các gia đình người Mông xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, cuối tháng 1/2016, một trận băng tuyết lớn đã làm cho 1.500 ha thảo quả bị chết. Những cây còn sống cũng không ra hoa.
Đến năm 2017, những mầm non mọc trở lại cho những quả bói đầu tiên. Tuy nhiên, sản lượng chỉ bằng 20-30% so với mọi năm.
Do thảo quả mất mùa, giá đã tăng vọt từ 20.000 lên 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do sản lượng giảm quá mạnh, thu nhập của người dân vẫn không được như xưa.
Trước đây, sản lượng thảo quả lớn, người dân sẽ làm chòi canh trong rừng. Khi đến tháng 10, thảo quả già, người dân sẽ hái cả chùm và sấy trước khi mang về.
Nhưng năm nay thảo quả mất mùa, người dân Mù Cang Chải không bõ công trông nom nên hái sớm từ đầu tháng 7. Việc hái sớm cũng giúp cây phát triển tốt hơn sau thời gian bị tuyết phủ. Mặt khác, do khan hiếm thảo quả nên các tiểu thương vẫn chấp nhận mua.
Anh Nguyễn Ngọc Chiển, chủ lò sấy thảo quả ở xã Chế Cu Nha cho biết 10 kg thảo quả già có thể sấy được 1,8 kg thảo quả khô. Nhưng nếu là thảo quả non thì 10 kg khi sấy xong chỉ còn một mà chất lượng cũng không đảm bảo.
Thảo quả non có hạt chưa cứng. Quả chủ yếu là nước nên dễ bị teo tóp khi sấy liên tục ở nhiệt độ cao.
Mặt khác, giá thảo quả tươi cao trong khi giá thảo quả khô chỉ khoảng 420.000-450.000 đồng/kg nên người sấy không có lãi. Các tiểu thương mua và sấy thảo quả với hy vọng giá thảo quả khô sẽ tăng trong thời gian tới.
Sau đợt băng tuyết đầu năm 2016, 1500ha thảo quả ở Mù Cang Chải bị chết. Hiện, phần lớn diện tích đã phục hồi nhưng sản lượng thảo quả chỉ đạt 20-30% so với mọi năm.
Thảo quả là một loại cây có hoa họ gừng, được sử dụng làm thuốc trong Đông y của Trung Quốc. Không những thế, loại này còn được sử dụng làm gia vị trong nhiều món ăn.Thảo quả được trồng và mọc hoang ở những vùng khí hậu mát ở miền Bắc Việt Nam như Hoàng Liên Sơn, Hà Giang, Tây Bắc Việt Nam. Ở Trung Quốc, cây mọc ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu.
Việt Hùng (zing)
Không có nhận xét nào: