Thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm được xem là “thủ phủ” của cây chè, thế nhưng, trong nhiều năm vừa qua, diện tích cây chè cứ giảm dần, cho dù chính quyền hai địa phương này đã đưa ra các giải pháp duy trì, phát triển diện tích, chuyển đổi giống và thâm canh, tăng năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho các nhà máy chế biến.
Ảnh minh hoạ
Tại thành phố Bảo Lộc, trong năm 2017, bà con nông dân đã trồng mới thêm 5 ha chè, giảm 25% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tổng diện tích chè đến thời điểm này đã giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2016 và hiện chỉ còn 7.031 ha. Đây là con số thấp nhất trong “lịch sử” phát triển cây chè tại địa phương này. Từ đó đã kéo theo hệ lụy là sản lượng chè búp tươi giảm sút và giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm tới 6,1% so với 6 tháng đầu năm ngoái, cho dù năm nay thời tiết thuận lợi cho cây chè, mưa đến sớm hơn mọi năm.
Còn tại huyện Bảo Lâm, diện tích cây chè hàng năm cũng giảm mạnh. Tại thời điểm năm 2012, tổng diện tích chè của huyện có trên 13.000 ha, nhưng hiện chỉ còn xấp xỉ 11.000 ha.
Trước thực trạng diện tích cây chè giảm, điều rất dễ nhìn thấy là cây chè đã “nhường chỗ” cho các loại cây trồng khác mà phổ biến là cây cà phê. Chỉ tính riêng trong năm nay, tại thành phố Bảo Lộc, diện tích cà phê trồng mới trên 70 ha, tăng 33,3%; nâng tổng diện cà phê hiện có 9.747 ha, tăng 4,3% so cùng kỳ này năm ngoái. Đối với huyện Bảo Lâm, diện tích cà phê từ 27.200 ha, chỉ trong vài năm gần đây đã tăng lên xấp xỉ 30.000 ha. Đây là một “nghịch lý” mà cả hai địa phương này thường đề cập, nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu nhằm hạn chế sự tăng trưởng diện tích cà phê và sự giảm sút diện tích chè một cách tự phát!
Trước thực tế trên, đòi hỏi các ngành và địa phương cần thực sự quan tâm. Nếu không, thì diễn biến này sẽ dẫn đến những bất cập cho công nghiệp chế biến chè đang trên đà phát triển!
Xuân Long (Báo Lâm Đồng)
Không có nhận xét nào: