» » » Hơn 50% heo đeo vòng nhận diện chỉ để... đối phó

“Qua thời gian bốn tháng triển khai, thực tế chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin, hơn 50% số heo còn lại đeo vòng chỉ để đối phó”.

Việc thực hiện Đề án quản lý,nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hệ thống phân phối hiện đại gặp thuận lợi nhưng tại hệ thống phân phối truyền thống lại gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Thịt heo được bán tại một siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Vũ Yến

Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, cho biết như vậy tại buổi sơ kết bốn tháng triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TPHCM chiều ngày 5-5-2017.

Cũng theo ông Phát, việc xử lý tình trạng trên đang gặp nhiều khó khăn. Chi cục Thú y chỉ có thể lập biên bản, nhắc nhở chứ không thể xử phạt hành chính những cá nhân, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện... cho có việc đeo vòng nhận diện, bởi đề án chưa có quy định về xử phạt.

Ông Phát lấy ví dụ, khi thương lái hay người bán đưa ra giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật thì dù heo không đeo vòng nhận diện thì Chi cục thú y cũng không thể không cho vào chợ. Nếu không cho vào chợ, thịt heo bị ôi thiu, gây thiệt hại thì thương lái, người bán sẽ phản ứng, thậm chí kiện.

Đại diện Chợ đầu mối Bình Điền, quận 8 cho biết từ ngày 1-3-2017 đã thực hiện việc đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc thịt heo tại chợ. Thời gian đầu, việc này diễn ra tốt, tuy nhiên, càng ngày tình hình càng xấu đi. Nguyên nhân là do thương lái mua heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó có tới 80% từ Long An. Quy mô chăn nuôi của những hộ này chỉ vài con, họ không tham gia vào đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Thêm nữa, họ lại sinh sống ở những vùng không có sóng wifi, 3G để kích hoạt vòng nhận diện.

Để khắc phục, theo vị đại diện này, cần phải có một lộ trình thực hiện từ từ, bài bản hơn. Đồng thời cần tập huấn cho thương lái bởi heo thu mua và đưa về chợ chủ yếu là do thương lái.

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Chợ đầu mối Nông sản- thực phẩm Hóc Môn, cho biết khi triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ở chợ, 100% thương nhân đều tuân thủ. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở thương lái. Ban quản lý chợ không quản lý thương lái, họ lại né việc đóng chi phí đeo vòng nhận diện 6.000 đồng. Thậm chí, xảy ra tình trạng, thương lái đối phó, mua và đeo vòng nhận diện cho heo nhưng không kích hoạt, không nhập thông tin.  

“Hiện tại, mỗi ngày có 5.500-5.700 con heo về chợ, tăng 500 - 700 con so với trước đây. Chỉ có khoảng 49-50% trong số này đeo vòng và chỉ có 20% vòng có kích hoạt”, ông Tiển nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TPHCM, cho biết tại hệ thống phân phối truyền thống, việc triển khai đề án gặp rất nhiều khó khăn do số lượng đối tượng tham gia hoạt động chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối heo đông đảo, đa số là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ hoặc các thương lái không có đăng ký kinh doanh. Họ có thói quen chăn nuôi, mua bán tự phát, không hoặc ít bị ràng buộc phải tuân thủ các quy trình quản lý chặt chẽ như hệ thống phân phối hiện đại. Vì vậy, thiếu hợp tác, không tích cực đăng ký tham gia, thực hiện các quy định của quy trình truy xuất nguồn gốc.

Theo số liệu được ông Nguyên Phương báo cáo, tính tới nay, số cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án là 1.131, trong đó mới có 123 cơ sở (chiếm 11%) thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo với số lượng 251.290 con (chiếm 69%).

Tại các cơ sở giết mổ, Sở Công thương nhận được đăng ký tham gia đề án của 25 cơ sở giết mổ của TPHCM và các tỉnh. Tuy nhiên số tham gia thực tế tại tất cả các địa phương đều thấp, cao nhất là Đồng Nai - đạt 50% (4/8 cơ sở), thấp nhất là Long An - chỉ 25% (1/5 cơ sở).

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng mục tiêu lâu dài là người dân TPHCM được sử dụng nguồn thực phẩm sạch nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần phải kiên trì thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo, người chăn nuôi đang gặp khó khăn, giá heo hơi rớt mạnh như hiện nay thì cần tính toán lại lộ trình thực hiện.

“Quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần kiên trì. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, công nghệ, kinh doanh mà còn là quá trình thay đổi nhận thức, thói quen của bà con nông dân, các đơn vị chăn nuôi, thương lái và bà con tiểu thương”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Tuyến yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố sớm tham mưu cho UBND TPHCM quy định áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng tem bị lợi dụng mua bán tràn lan.

Ông Tuyến đề nghị Sở Công Thương làm việc với Viettel VNPT để ký kết hợp tác, hỗ trợ các tỉnh lắp đặt các trạm phát sóng wifi ở vùng sâu, vùng xa để giúp người nông dân thuận lợi hơn trong việc tham gia đề án. 

Vũ Yến (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: