» » Giá lợn giảm sâu, không chỉ người nuôi lợn buồn

Giá lợn đi xuống khiến cho nhiều người ngưng chăn nuôi, kéo theo những tiểu thương kinh doanh thức ăn cho lợn cũng đang điêu đứng vì ế ẩm.

Nhiều ngày qua giá thịt lợn giảm sâu chưa từng có đang là vấn đề được người dân quan tâm.

Nhiều nơi những người nông dân đang trên bờ vực phá sản, có những người đã phải tạm ngưng nhập con giống chăn nuôi để chờ đợi tình hình khả quan hơn.

Chính điều này cũng kéo theo nghành kinh doanh thức ăn cho lợn cũng đang gặp "rắc rối" bởi sức tiêu thụ giảm rõ rệt.

Nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi lâm vào cảnh ế ẩm vì giá thịt lợn giảm sâu. Ảnh Gia An

Ghi nhận của PV tại một số cửa hàng và đại lý cấp 1 chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi cho thấy hầu như vắng khách, cả ngày chỉ có hai ba khách tới mua cám. Chủ yếu là thức ăn cho gia cầm.

Bà Nguyễn Thị Tý chủ cửa hàng chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên phố Trần Phú (Hà Đông) cho biết:

"Trước đây trung bình mỗi ngày cửa hàng nhà tôi bán được từ hai đến ba tấn cám, thậm chí có những hôm cao điểm bán được 5 tấn. Trung bình mỗi tháng khoảng trên dưới 100 tấn cám thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên thời điểm gần đây số lượng sụt giảm rõ rệt, nhất là khoảng một tuần đổ lại đây.

Hiện tại cửa hàng của tôi bán được rất ít thức ăn cho lợn, khách chủ yếu là mua thức ăn gia cầm. Trung bình một ngày thời điểm hiện tại chỉ bán được vài chục đến khoảng gần 200 kg cám".

Cũng cùng tình cảnh với bà Tý nhà ông Lê Văn Khiển ở Quốc Oai (Hà Nội) cả tháng nay cũng chỉ bán được gần 5 tấn cám trong khi đó các tháng khác bán trên 30 tấn.

Ông chủ cửa hàng này cũng cho biết: "Thời điểm này khách hàng chủ yếu mua loại cám dành cho lợn nái để nuôi con, rất ít người mua thức ăn tăng trọng bởi họ đang ngừng nuôi tránh thua lỗ thêm. Đây cũng là tâm lý của phần đông các hộ chăn nuôi lợn thời điểm này".

Nằm trên đường Ngọc Hồi (Hà Nội) cửa hàng của gia đình ông Lê Quốc Đạt khoảng hai tuần đổ lại đây cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm giống như những cửa hàng kinh doanh thức ăn nuôi khác.

Tuy nhiên ông Đạt cho rằng tình trạng ế ẩm này không đáng lo bởi ế ẩm một thời gian ngắn cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên việc giá thịt lợn lao dốc như vậy sẽ ảnh hưởng tới người dân chăn nuôi. Về lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khác ví dụ như nhiều người dân sẽ không nuôi lợn vì sợ tiếp tục thua lỗ.

Nhiều cửa hàng chấp nhận bán chịu, hỗ trợ cho người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Ảnh Gia An

Để đối phó với tình trạng ế ẩm trên nhiều cửa hàng chấp nhận bán chịu cho người nuôi lợn để giữ mối cũng như hỗ trợ người nuôi.

Ông Đạt cho biết: "Hiện nay tôi vẫn cung cấp cám cho gần 20 hộ chăn nuôi để họ giữ đầu lợn trong nhà.

Số tiền bỏ ra cũng lớn nhưng giờ lợn mất giá, người nuôi chưa bán được cũng không có tiền để thu về nên tôi cũng không bắt họ phải thanh toán ngay. Những lúc thế này mọi người nên tạo điều kiện để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn".

Càng nuôi càng lỗ

Ông Trần Vinh một người nuôi lợn ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết: "Giờ nhà tôi còn 42 con lợn nhưng không còn tiền để mua cám.

Mặc dù đã đến thời điểm xuất chồng nhưng không bán được, cộng thêm giá quá thấp nên không muốn bán. Hàng ngày tôi vẫn phải đi cắt bèo, rau chuối và chạy quanh làng xin đồ ăn thừa ở các gia đình về nấu cho lợn thay cám. Thời điểm này chúng tôi chỉ cố gắng giữ cho lợn không sụt cân là được, cố gắng giữ lấy đàn lợn đợi giá tốt hơn sẽ bán".

Ông Vinh cũng cho biết nhiều hộ đành phải để lợn con chết bởi không còn vốn để nuôi, không còn tiền để mua cám cho lợn bởi lỗ quá nhiều. "Nhà nào nuôi nhiều thì lỗ nhiều, nhà nào nuôi ít lỗ ít,có nhà mỗi ngày lỗ cả chục triệu đồng".

Cần có những giải pháp lâu dài để tránh tình trạng lập lại

Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất do nguồn cung lớn hơn cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà... Thứ hai là khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc lưu thông thịt heo từ tay người nuôi đến người tiêu dùng. Bởi dù giá thịt heo hơi giảm sâu nhưng khi đến tay ngươi tiêu dùng giá giảm không đáng kể.

Tiếp đó phải tiến hành mô hình chăn nuôi khép kín về con giống, thức ăn, thuốc thú y và cả đầu ra hoặc bà con chăn nuôi phải liên kết với nhau tạo thành các hợp tác xã, tổ hợp tác như các công ty liên doanh lớn đã làm, để giảm bớt chi phí trung gian.

Quản lý chặt chẽ sản lượng đầu rra của thịt heo tránh tình trạng cung vượt cầu.

Mới đây, Bộ Công thương có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến, giết mổ và phân phối thịt lơn về việc tăng cường tiêu thụ lợn.

Văn bản nêu rõ, hiện nay giá lợn hơi trên thị trường đang xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người chăn nuôi lợn và khả năng duy trì nguồn cung lâu dài cho thị trường. Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm lợn hơi đến thời kỳ xuất chuồng, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp nêu trên tăng lượng thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn.

Gia An (Đời sống & Pháp lý)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: