Tuần rồi một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang Ấn Độ gặp phải tình huống bất khả kháng vì không thể xuất hàng theo hợp đồng. Mọi chuyện sẽ khác đi nếu họ cẩn trọng hơn trong hợp đồng mua bán.
Nông dân đang chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: TL
Hai bên cùng thiệt
Theo thông tin được đăng tải trên trang thehindubusinessline.com, Ấn Độ có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, quế, thanh long từ Việt Nam. Đây là lệnh được cho là để “trả đũa thương mại” vì trước đó Việt Nam có lệnh cấm nhập khẩu một số nông sản từ Ấn Độ do nhiễm mọt sống nguy hiểm.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết ngày 7-3, một số doanh nghiệp hội viên phản ánh không thể làm thủ tục xuất khẩu đi Ấn Độ và họ hiện như đang ngồi trên đống lửa. Tình huống này lại rơi vào đúng thời điểm giá hồ tiêu giảm liên tục trong nhiều tuần liên tiếp, đối với họ, chẳng khác nào như phải đón một “cơn sóng thần”!
Theo bà Oanh, thường giá hồ tiêu giữa Việt Nam và Ấn Độ chênh nhau mấy chục phần trăm. Ví dụ khi Việt Nam chào bán với giá 6.000 đô la Mỹ/tấn thì Ấn Độ chào khoảng 10.000 đô la Mỹ. Đó là lý do vì sao Ấn Độ mua nhiều tiêu của Việt Nam và xuất đi các nước khác. Và như vậy, lệnh tạm ngưng nhập khẩu nêu trên của Ấn Độ gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp hai nước.
Tuy nhiên, khi giá hồ tiêu liên tục giảm, phần thiệt nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn. Bà Oanh lý giải, lâu nay các bên thường mua bán bằng hợp đồng kỳ hạn, tức đã ký với nhau từ nhiều tháng trước, sau đó thống nhất thời gian giao hàng. So sánh mức giá trên thị trường hồ tiêu vào đầu tháng 3 với giá kỳ hạn (từ mấy tháng trước), thì giá hiện nay thấp hơn khá nhiều, tức doanh nghiệp xuất khẩu đang có lợi còn bên mua đang phải trả nhiều tiền hơn so với giá thực tế tại thời điểm giao hàng. Vì thế, nhân cơ hội này, bên mua có thể tìm cách hủy hợp đồng để không phải mua hàng giá cao. “Trong khả năng của VPA, hiệp hội sẽ gửi thông tin đến Hiệp hội Gia vị và thực phẩm Ấn Độ nhờ hỗ trợ. Còn lại thì... ngồi chờ động thái từ cơ quan quản lý hai nước”, bà Oanh nói.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Theo luật sư Lương Nguyễn Khánh Văn, người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp và thương mại của LP Group, việc các quốc gia đưa ra mệnh lệnh hành chính nhằm can thiệp vào hoạt động thương mại song phương, đa phương xảy ra khá thường xuyên. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp (cả bên bán và bên mua) đều bị ảnh hưởng và nếu không có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là trong việc đạt được các thỏa thuận hợp đồng đối tác, thì khả năng doanh nghiệp bị lôi kéo vào các tranh chấp, chịu thiệt hại là có thể xảy ra. Đáng chú ý, trong thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp thường lơ là, bỏ qua các điều khoản pháp lý quan trọng của hợp đồng mà chỉ tập trung vào các điều khoản thương mại.
Theo luật sư Văn, để giảm thiểu các rủi ro, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần chú ý đến điều khoản về những sự kiện bất khả kháng. Hiện tại, định nghĩa về điều này tại mỗi nước khác nhau nhưng tựu trung lại, khái niệm bất khả kháng được hiểu là sự việc xảy ra một cách khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.
Theo đó, hợp đồng giữa các bên cần xác định rõ và đạt được sự thống nhất về định nghĩa thế nào là bất khả kháng. Luật sư Văn cho rằng cách tốt nhất là các bên có thể liệt kê ra các trường hợp bất khả kháng thông dụng, và quyết định hành chính nhà nước là một điều khoản cần đưa vào hợp đồng.
Như vậy, khi có xảy ra một trong những trường hợp bất khả kháng như trên, bên bị ảnh hưởng sẽ được miễn trừ trách nhiệm và có thể được gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho đến khi sự vụ bất khả kháng được khắc phục. Bên cạnh đó, các bên cũng có thể thỏa thuận để thống nhất thời hạn gia hạn, thời điểm giao hàng sao cho hợp lý để bảo đảm các bên đều có lối ra khi hậu quả của sự việc bất khả kháng xảy ra quá nặng nề cho hai bên.
Luật sư Văn khuyến cáo doanh nghiệp khi soạn thảo hợp đồng xuất khẩu nông sản cần có các điều khoản liên quan đến sự kiện bất khả kháng, miễn trừ trách nhiệm, tạm ngừng thực hiện hoặc hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng. Cách tốt nhất là doanh nghiệp cần có nhân viên pháp chế nội bộ để xử lý các vấn đề pháp lý, hợp đồng, hoặc có thể thuê luật sư có kinh nghiệm hỗ trợ rà soát, đàm phán trước khi ký kết hợp đồng.
Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: