Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ được trồng và tăng diện tích khá nhanh trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Loại cây này đã giúp nông dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong huyện.
Loại cây này đã giúp nông dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong huyện.
Ảnh minh họa
Tại xã Vân Trục, đi đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp với cây thanh long là cây chủ lực. Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch cho biết, qua hơn 5 năm chuyển đổi đất ruộng sang trồng thanh long, cuộc sống gia đình ông đã khá hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Với 8,8 ha thanh long ruột trắng, thu hoạch ba vụ/năm, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Nhưng hiện tại, thanh long ruột đỏ đang được ưa chuộng nên gia đình đang chuyển một nửa diện tích sang trồng giống này.
Ông Long là một trong những người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Vân Trục. Từ 50 trụ, sau 8 năm, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông lên tới 700 trụ. Chỉ tính riêng năm 2014, vườn thanh long cho gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Cây thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn; quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản.
Thời gian cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày. Sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm - ông Long chia sẻ.
Nhiều hộ gia đình ở Vân Trục đã thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không hiệu quả để trồng thanh long. Tốt nghiệp đại học, ra trường không xin được việc làm, anh Lê Văn Yên, quyết định về quê xin đất trồng thanh long.
Sau một năm chăm bón, vườn thanh long rộng hơn 2 ha của gia đình anh bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chu đáo, cộng với sự ham học, ham đọc, anh Yên đã biến vùng đất đồi khô cằn sỏi đá thành “rừng” thanh long. Anh Yên cho hay, nếu chăm sóc tốt, mỗi ha thanh long sẽ cho thu khoảng 100 triệu đồng.
Ông Phan Văn Chí, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục cũng mạnh dạn chặt bỏ nhiều ha bạch đàn của gia đình để chuyển sang trồng thanh long từ năm 2013. Được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trợ giúp, ông Chí bắt tay vào cải tạo đất, ươm những mầm thanh long ruột đỏ trên đất đồi với diện tích 4,5 ha và đã thu hoạch những trái ngọt đầu tiên.
Vụ đầu tiên, mỗi ha thanh long cho khoảng 1,2 tấn quả, thương lái đến mua tận vườn. Năm nay thanh long được giá, mỗi kg bán được từ 35.000 - 40.000 đồng nên nguồn thu đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.
Chủ tịch UBND xã Vân Trục, ông Nguyễn Hữu Trí khẳng định, không có cây thanh long thì vùng quê nông thôn Vân Trục khó mà đổi mới. Toàn xã hiện có hơn 63 ha đất trồng chuyên canh thanh long. Sau 5 năm chuyển đổi đất đồi rừng sang trồng thanh long, thu nhập của người dân tăng lên 21 triệu đồng/người/năm.
Bình quân một ha thanh long ruột trắng cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng, thanh long ruột đỏ khoảng một tỷ đồng/ha/năm. Cây thanh long đã nhanh chóng trở thành cây làm giàu cho người dân Vân Trục.
Năm 2015, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Bộ Khoa học công nghệ cấp bằng công nhận thương hiệu. Đây là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được thương hiệu này.
Nhận thấy hiệu quả, giá trị kinh tế từ việc trồng cây thanh long ruột đỏ, UBND huyện Lập Thạch đã xây dựng dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ với diện tích 100 ha tại 3 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ. Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 125 ha.
Để cây thanh long phát triển bền vững, huyện Lập Thạch đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân, tổ chức thăm quan mô hình, trao đổi học hỏi kinh nghiệm thực tế giữa các hộ; hướng dẫn cách lựa chọn cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình chất lượng; đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Huyện đã triển khai dự án "Phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ ở huyện Lập Thạch" giai đoạn 2016 - 2020 tại 5 xã với diện tích 300 ha.
Cuối năm 2016, tấn thanh long ruột đỏ Lập Thạch lần đầu tiên đã được xuất sang thị trường Malaysia. Đây là bước ngoặt mở ra triển vọng cho thanh long ruột đỏ Lập Thạch, tạo niềm tin để người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, nắm bắt cơ hội làm giàu ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)
Không có nhận xét nào: